Theo đó, Bộ Tư pháp đang tiến hành soạn thảo Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp thực hiện các thủ tục về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế.
Giảm đi lại, giảm hồ sơ, giảm chi phí
Qua nghiên cứu của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), việc áp dụng thực hiện mô hình liên thông các thủ tục trên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Chẳng hạn, về quy trình thực hiện, đối với cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, số lần đi lại làm TTHC tối giản, chỉ phải đi đến duy nhất một đầu mối là tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) để nộp hồ sơ và nhận kết quả thay vì phải đi lại 8 - 10 lần.
Đối với phía TCHNCC thực hiện ủy quyền của cá nhân, tổ chức, hộ gia đình cũng rút ngắn số lượt đi, về so với quy định hiện tại mà người dân phải làm. Đó là không phải xin xác nhận của đơn vị vào hóa đơn, chứng từ đã nộp tiền sử dụng đất (nếu có); không phải làm thủ tục tách, hợp thửa riêng biệt trước khi đăng ký biến động; tạo điều kiện cho phép người nộp thuế lựa chọn nộp thuế ở một số cơ quan được ủy nhiệm thu thuế; trường hợp thực hiện quyền đối với một phần thửa đất, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất lựa chọn dịch vụ đo đạc địa chính của văn phòng đăng ký đất đai hoặc chủ động nộp bản trích đo địa chính.
Hồ sơ thực hiện sẽ giảm bớt được các thành phần hồ sơ trùng lặp, không cần thiết. Cụ thể, với thủ tục công chứng, trong trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì cho phép lựa chọn nộp bản sao giấy tờ tùy thân hoặc thực hiện xuất trình bản chính để đối chiếu. Với thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm, sẽ không yêu cầu nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý của người yêu cầu đăng ký.
Với thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế, sẽ không yêu cầu nộp quyết định giao đất, mua bán, tặng cho, thừa kế, giấy phép xây dựng…, không yêu cầu nộp các thành phần hồ sơ chứng minh thuộc diện không phải nộp, miễn nộp nghĩa vụ tài chính khi trong hợp đồng, giao dịch có các thông tin liên quan, không yêu cầu nộp giấy tờ, hóa đơn chứng minh đã nộp tiền thuê đất, sử dụng đất, không yêu cầu các giấy tờ thành phần hồ sơ nộp bản sao có chứng thực.
Đặc biệt, chi phí thực hiện một quy trình thủ tục liên quan tới đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất giảm đáng kể. Bên cạnh việc người dân không phải đi lại nhiều lần, sáng kiến liên thông được xây dựng theo hướng tinh giản, rút gọn, loại bỏ những trình tự, thành phần hồ sơ lặp lại giữa hai thủ tục.
Tính toán sơ bộ cho thấy, chi phí tuân thủ TTHC theo quy trình hiện tại gần 355 nghìn đồng/ trường hợp (tính thời gian thực hiện ngắn nhất, không phải chờ đợi và thời gian đi lại tối thiểu), còn khi áp dụng liên thông là 72 nghìn đồng/trường hợp. Nếu tính số liệu trung bình 1,1 triệu đối tượng thực hiện/năm thì mỗi năm chi phí tuân thủ hết hơn 393 tỷ đồng, trong khi chi phí tuân thủ theo cơ chế liên thông chỉ trên 79 tỷ đồng, tương đương giảm gần 5 lần.
Hoàn thiện hơn nữa “bước đột phá đáng hoan nghênh”
Việc quy định TCHNCC là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC liên thông cho cá nhân, tổ chức, hộ gia đình được nhiều quan điểm đánh giá là bước đột phá rất đáng hoan nghênh trong đơn giản hóa TTHC, cần được thúc đẩy mạnh mẽ.
Để hoàn thiện cơ chế hơn nữa trước khi được chính thức ban hành, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý. Bộ Tài chính đề nghị xem xét, nghiên cứu các quy định và thực hiện thống nhất theo quy trình luân chuyển hồ sơ đúng trình tự của pháp luật về đất đai, thuế, ngân sách nhà nước
Ngoài ra, cũng nên quy định thực hiện phương thức liên thông này như một dịch vụ mà người sử dụng đất và tài sản có thể lựa chọn việc thuê TCHNCC thực hiện mọi TTHC hoặc tự họ thực hiện các thủ tục cần thiết để hoàn thành nghĩa vụ tài chính để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kiến nghị bổ sung thêm trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất. Hiệp hội phân tích, thủ tục thực hiện tại văn phòng đăng ký đất đai hiện bao gồm cả thế chấp tài sản gắn liền với đất và nếu TCHNCC cung cấp dịch vụ thực hiện các công việc này, sẽ tạo điều kiện rút ngắn thời gian, giảm công sức cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến giao dịch thế chấp.