Peru trở thành nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới

(PLVN) -  Hồi cuối tháng 5, Peru sửa lại số người chết vì COVID-19 lên 180.764, cao gần gấp ba so với dữ liệu cũ, trở thành nước có tỷ lệ tử vong trên đầu người cao nhất thế giới.
Ảnh minh họa

Con số tử vong vì COVID-19 mới được Chính phủ Peru công bố ngày 31/5 cao gần gấp 3 lần so với thống kê cũ hôm 30/5 là 69.342 người, Reuters đưa tin. Theo Bộ trưởng Y tế Peru Oscar Ugarte, dữ liệu COVID-19 mới nhất là kết quả của việc rà soát lại cũng như thay đổi một số tiêu chí xác định ca tử vong do nhiễm nCoV. Ông Ugarte cho biết thêm, Peru trước đây chỉ công nhận những người chết “đã có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV” là ca tử vong vì COVID-19, song giới chức nước này đã thay đổi tiêu chí thống kê.

“Chúng tôi có nghĩa vụ phải công bố những dữ liệu cập nhật này”, Thủ tướng Peru Violeta Bermudez nói trong cuộc họp thông báo hơn 180.000 người chết vì COVID-19 trên tổng số 32,6 triệu dân.

Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, với sự điều chỉnh này, Peru nay trở thành nước có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 trên đầu người cao hơn bất kỳ quốc gia nào, với 5.484 người chết trên một triệu người cư trú, theo AFP. Hungary đứng thứ hai với 3.077 ca tử vong trên một triệu người. Chile có khoảng 33 triệu dân. Trước điều chỉnh trên, nước này đứng thứ 13 trên thế giới với 2.103 người chết vì COVID-19 trên một triệu người, theo dữ liệu của AFP.

Các chuyên gia cho rằng, Peru trở thành một trong những quốc gia Mỹ Latin bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Hệ thống y tế không đầy đủ do thiếu kinh phí. Bệnh viện của nước này luôn chật kín bệnh nhân với nhu cầu oxy y tế vượt quá khả năng cung cấp. Peru còn phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Cả nước chỉ có khoảng 1.600 giường bệnh trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, ít hơn nhiều so với một số nước láng giềng. Không chỉ vậy, bệnh viện phải mua thiết bị trữ đông mới để làm “nhà xác dã chiến” đã khiến nhiều người lo ngại về tình hình dịch COVID-19 vô cùng tồi tệ ở Peru.

Chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 của Peru diễn ra rất chậm chạp, khi chỉ gần 4% dân số cả nước đã được tiêm chủng đầy đủ. Tỷ lệ tiêm chủng này thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác ở Mỹ Latin.

Ngoài ra, còn có một số yếu tố kinh tế và xã hội có thể dẫn đến việc Peru phải đối mặt với tình trạng dịch COVID-19 nghiêm trọng. Người dân Peru đi làm phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng và bán hàng ở những khu chợ rất đông đúc”, nhà kinh tế người Peru Hugo Ñopo nói với BBC.

Theo một cuộc khảo sát năm 2020 của Chính phủ, hơn 40% hộ gia đình ở Peru không có tủ lạnh. “Nhiều hộ gia đình không có thiết bị cho phép họ dự trữ thực phẩm trong nhiều ngày. Bởi vậy, họ phải ra ngoài mua hàng và đi chợ”, ông Ñopo nói. Trong thời kỳ đầu của đại dịch, các khu chợ đông đúc được xác định là “nguồn lây lan COVID-19 chính”.

Ngoài ra, một khảo sát mới nhất cho thấy, 11,8% hộ gia đình nghèo ở Peru sống trong những ngôi nhà quá đông người. Nhà ở chật chội khiến cho việc giãn cách xã hội trở nên khó khăn hơn và virus SARS-CoV-2 có thể dễ dàng lây lan.

Peru là một trong những quốc gia áp đặt lệnh phong tỏa sớm và nghiêm ngặt nhất ở Mỹ Latin vào tháng 3/2020, trước Anh và một số nước châu Âu khác. Lệnh phong tỏa tại Peru đã kéo dài đến cuối tháng 6/2020. Lệnh giới nghiêm được áp đặt và người dân chỉ có thể rời khỏi nhà để mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, số ca nhiễm SARS-CoV-2 và số ca tử vong do dịch bệnh ở Peru vẫn tiếp tục gia tăng. Peru đã áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 2 vào tháng 1/2021 ở thủ đô Lima và 9 khu vực khác sau khi số ca mắc COVID-19 tăng vọt khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải.

Đọc thêm