PGS người Việt ở ĐH số 1 nước Úc: 'May mắn, tôi được học trường chuyên'

PGS người Việt ở ĐH số 1 nước Úc: 'May mắn, tôi được học trường chuyên'

(PLVN) -
 
 

Tranh thủ thời gian được nghỉ 6 tháng để làm nghiên cứu, chị Hoàng Lan Anh bắt tay vào hoàn thành cuốn tiểu thuyết còn dang dở với tên gọi “Đừng nói lời từ biệt”. Vốn là người có gần 20 năm sinh sống, học tập và làm việc tại 4 quốc gia, lại là một chuyên gia nghiên cứu về di dân, chị Lan Anh luôn trăn trở về những mảnh đời tha hương và cuộc sống xa xứ của những người Việt ở nước ngoài.

“Cuốn tiểu thuyết cũng là “món nợ cá nhân” và là một phần hồi ký của tôi trên con đường đi ra nước ngoài. Chúng tôi, những lứa du học sinh đầu tiên ra nước ngoài sau thời kỳ Đổi mới, gặp không ít biến cố và những đổ vỡ trong cuộc sống, trên hành trình chông gai, cô độc ở xứ người. Du học sinh chúng tôi được sống, học tập và làm việc trong một xã hội văn minh, thịnh vượng,… nhưng cũng có những góc khuất riêng không phải ai cũng có thể hiểu được”.

giảng viên,Du học Úc

Chị Lan Anh là cựu học sinh chuyên Nga của Trường THPT Chuyên Thái Bình. Sau này, chị theo học tiếng Nga ở Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhưng thời điểm ấy, Liên Xô vừa tan rã. 

“Có một điều tôi hiểu rõ, mình phải học một chuyên ngành nào đó khác với ngoại ngữ, vì đây chỉ là công cụ để làm việc”.

Hết hai năm đầu đại học, sau khi học xong chương trình đại cương, ĐH Quốc gia Hà Nội cho phép sinh viên các trường trực thuộc được thi “vượt rào” để chuyển từ trường này sang trường khác.

Vốn là người ưa xê dịch, thích khám phá thế giới, chị Lan Anh chọn thi sang Khoa Du lịch học của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn, học song song 2 khoa cùng lúc. Trong thời gian học, chị cũng đi làm hướng dẫn viên du lịch cho nhiều công ty du lịch lớn ở thời điểm đó.

Tốt nghiệp đúng vào thời kỳ bùng nổ của du lịch Việt Nam những năm 1999 – 2000, chị Lan Anh quyết định rẽ ngang, xin vào làm việc cho một dự án nghiên cứu quốc tế. Hai năm làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài, chị nhận ra mình cần phải học lên cao hơn nữa. Vì vậy, chị quyết định thi và giành Học bổng Chevening của Bộ Ngoại giao Anh. Quỹ học bổng này đã tài trợ cho chị toàn bộ khóa cao học về Nghiên cứu Phát triển tại Trường ĐH East Anglia.

“Thời điểm ấy, tôi giống như “người mù đi trong bóng tối”, bởi số lượng người đi du học khi đó còn rất ít, chủ yếu là nhờ quỹ học bổng của chính phủ các nước viện trợ; trong khi internet ở Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ. Nhưng tôi đi ra nước ngoài với tâm thế của người thích phiêu lưu”.

Tốt nghiệp, chị trở thành thủ khoa khóa cao học tại Anh và nhận giải thưởng luận văn xuất sắc nhất. Với thành tích này, chị được khoa Nghiên cứu Phát triển mời quay trở lại làm nghiên cứu sinh theo chương trình Học bổng nghiên cứu cho sinh viên quốc tế của chính phủ Anh trong vòng 3 năm.

“Lúc đó, tôi đã về nước và nhận được một vị trí đáng mơ ước ở Việt Nam. Lúc đó, lương công chức ở Việt Nam chỉ khoảng 500 – 700 nghìn đồng, nhưng ở vị trí ấy, mức lương của tôi là 1.000 USD và đang tiếp tục được đào tạo lên làm quản lý trong một tổ chức phát triển lớn”.

Nhưng vì đam mê “xê dịch”, chị từ bỏ tất cả để tiếp tục quay trở lại Anh làm tiến sỹ, sau đó sang Singapore làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm châu Á về Phân tích Dân số và Phát triển bền vững, Đại học Quốc gia Singapore.

Kết thúc hai năm ở Singapore, năm 2010, chị trúng tuyển vào vị trí giảng viên ngành Nghiên cứu phát triển của ĐH Melbourne (Úc).

giảng viên,Du học Úc

Làm việc ở ngôi trường đứng đầu nước Úc theo bảng xếp hạng đại học THE (2021), phó giáo sư người Việt nói, mình có nhiều thời gian để nghiên cứu hơn.

“40% quỹ thời gian của tôi là làm nghiên cứu, 40% là giảng dạy và 20% là làm lãnh đạo và quản lý”.

Hiện chị Lan Anh là chuyên gia nổi tiếng thế giới về di dân Việt Nam, đã xuất bản 3 cuốn sách, hàng chục chương sách và bài báo trên các tạp chí hàng đầu thế giới. Các nghiên cứu của chị đã được trích dẫn 1.189 lần – một con số cực kỳ ấn tượng đối với nhóm ngành Khoa học xã hội.

Năm 2020, cuốn sách nghiên cứu chuyên khảo của chị có tên “Người Việt Nam ở Nga: Di cư trong một thế giới nhiều biến động” được ra mắt, nói về việc người Việt đang phải vật lộn để có thể sinh tồn ở các chợ của Nga.

giảng viên,Du học Úc

Chị Lan Anh cũng xin được tài trợ từ Bộ Ngoại giao Úc để phát triển dự án xây dựng một giáo trình về giáo dục giới tính cho học sinh THCS ở Việt Nam.

“Đây là vấn đề không mới và đã có nhiều dự án xoay quanh vấn đề này. Nhưng thực tế, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia đứng đầu về tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên vì kiến thức của các em còn hạn chế.

Những cuộc điều tra gần đây cho thấy có tỷ lệ lớn học sinh tốt nghiệp lớp 12 đã từng quan hệ tình dục. Dù vậy, nhiều em vẫn không nắm được những kiến thức cơ bản về tình dục, giới tính và sinh sản.

Vì thế, giáo trình của chúng tôi có phương pháp tiếp cận khác, xây dựng xoay quanh chữ “tôn trọng” thay vì “cấm đoán”. Chúng tôi cũng lồng ghép việc tôn trọng quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới vào trong chương trình giảng dạy”, PGS Hoàng Lan Anh nói.

giảng viên,Du học Úc

Mất mẹ từ năm 8 tuổi, sau đó, bố cũng đi Nga, từ nhỏ, chị Lan Anh đã sống cùng chị gái hơn mình 2 tuổi.

“Trong hoàn cảnh đó, tôi nhận ra một môi trường tốt đã cứu vớt mình. May mắn, tôi được theo học trường chuyên. Ở đó, những đứa trẻ không cần ai thúc ép, giám sát mà tự giác học hành. Trong một môi trường ưu tú, những người xuất sắc sẽ có cơ hội và động cơ để phấn đấu" - chị Lan Anh nói.

Mặc dù vậy, chị cũng cho rằng, cũng như việc học trường chuyên, lớp chọn, nhiều phụ huynh luôn mong muốn cho con cái đi du học để có một môi trường tốt. Mong muốn đó là không sai, nhưng không ít người lại biến việc đi du học như một “tấm vương miện danh giá” mà quên đi mặt trái của nó.

“Tôi biết rất nhiều bạn trẻ đi du học từ những năm cấp 3 và không hiếm trong số đó bị “đứt gánh giữa đường”. Họ không chịu nổi cuộc sống cô độc, đầy áp lực ở xứ người mà không có bố mẹ ở bên chăm sóc.

Thậm chí, có những người là con ngoan trò giỏi, là thủ khoa đại học khi còn ở Việt Nam, nhưng khi đi ra nước ngoài lại sống rất chật vật, không thể tìm được công việc tương xứng với bằng cấp, trình độ. Đây là một góc khuất khi đi du học mà hiếm người nhắc đến”.

Thiếu độc lập, tự giác và ý chí phấn đấu, theo chị Lan Anh, chính là những thứ hủy hoại tương lai của những người trẻ này.

giảng viên,Du học Úc

Do đó, PGS.TS Hoàng Lan Anh cho rằng, bố mẹ chỉ nên cho con đi du học khi trả lời được câu hỏi: “Con mình có khả năng sống độc lập và đáp ứng được những đòi hỏi khắc nghiệt của môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài hay không?”.

“Muốn tồn tại, quan trọng nhất là độc lập và tự lập trong cả học tập lẫn công việc, cuộc sống. Rất nhiều con ngoan, trò giỏi, vốn là hình mẫu lý tưởng ở Việt Nam, nhưng khi sang các nước phát triển – những nơi đòi hỏi con người phải độc lập và có tư duy phản biện, sáng tạo – lại rất khó khăn để thích nghi và hòa nhập.

Ngược lại, với những bạn trẻ vững vàng về tâm lý, độc lập và có ý chí, nếu được đi du học từ sớm sẽ càng có lợi và có cơ hội phát huy tài năng ở nước ngoài”.

Yếu tố quan trọng nhất, theo chị Lan Anh, để đi du học và tồn tại ở nước ngoài, các bạn trẻ cần phải có đam mê và đủ ý chí để theo đuổi ước mơ của mình. Nhưng thật khó để khơi gợi đam mê và ước mơ ở con cái khi cha mẹ luôn “đặt sẵn tương lai”, “dọn sẵn cuộc đời” cho họ.

“Ở Việt Nam, hai chữ “đam mê” và “ước mơ” thường được coi là xa xỉ. Chúng ta thường chỉ được nhào nặn làm - học theo số đông và trào lưu xã hội để đảm bảo sự ổn định cho tương lai. Nhưng nếu chúng ta chỉ học tập và làm việc sao cho giống những người khác, kể cả khi việc đó hoàn toàn không phù hợp với năng lực và sở thích của mình thì sẽ rất khó thành công và có một cuộc sống ý nghĩa”.

Đọc thêm