Đây là đánh giá của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trong cuộc trò chuyện với PLVN về công cuộc xây dựng Đảng hiện nay.
Xây dựng Đảng trong thời kỳ mới
Từ khi bước vào công cuộc đổi mới năm 1986, đặc biệt là từ Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông, đâu là những kết quả nổi bật và cả những hạn chế trong công tác này?
- Ở đây có hai vấn đề là xây dựng, chỉnh đốn. Xây dựng là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên, căn bản và lâu dài, còn chỉnh đốn là khi trong Đảng có những biểu hiện tiêu cực, sai phạm, có những biểu hiện suy thoái đã xuất hiện những căn bệnh như Bác Hồ nói như tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, chia rẽ, bè phái…, những điều đó giờ phát triển thành tham nhũng, lãng phí, tiêu cực… Khi trong Đảng có dấu hiệu như vậy thì phải tăng cường chỉnh đốn. Chỉnh đốn cả về tư tưởng, chính trị, tổ chức kỷ luật, cả về đạo đức, phong cách…
Từ khi đổi mới, việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng thường xuyên đặt ra, đặc biệt là trong 2- 3 nhiệm kỳ gần đây, chỉnh đốn Đảng đã được đẩy mạnh và tiến hành bài bản hơn và có một số thành tựu nổi bật.
Thứ nhất là đã đấu tranh, bước đầu đẩy lùi và ngăn chặn được sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; trong đó chống tham nhũng, tiêu cực là thành tựu nổi bật. Có được điều này là nhờ quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, của Bộ Chính trị, nhất là của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngoài ra, còn có thành công trong công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, tinh giản biên chế.
Một thành tựu nữa là đổi mới công tác cán bộ và ngăn chặn được bước đầu tình trạng chạy chức, chạy quyền; tăng cường công tác kiểm tra kỷ luật Đảng và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm. Những kết quả này đã góp phần quan trọng để đưa đất nước ta phát triển, vì Đảng có mạnh thì mới lãnh đạo đúng, lãnh đạo đúng thì mới đưa đất nước phát triển, chúng ta mới có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Từ kết quả xây dựng và chỉnh đốn Đảng như vậy thì Đảng đã đoàn kết hơn, thống nhất, trong sạch, vững mạnh hơn và niềm tin của nhân dân đối với Đảng cũng được củng cố, tăng cường hơn trước. Có thể nói đó chính là những điều kiện chính trị hết sức quan trọng để đưa đất nước phát triển trong những năm tới.
Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là việc cụ thể hóa, thể chế hóa nghị quyết của Đảng, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước còn chậm; một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn chưa thật sự gương mẫu, tiên phong; tình hình suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tình trạng tham nhũng. Đổi mới, sắp xếp bộ máy vẫn còn có nhiều nơi chưa đạt được mục tiêu đề ra. Ngoài ra, một số tổ chức Đảng ở cơ sở còn yếu về năng lực tổ chức, sức chiến đấu; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở một số địa phương, một số ngành cũng chưa có chuyển biến rõ rệt.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc |
Dựa vào dân
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày 9/12/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điều quan trọng có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là từ trên xuống dưới đều phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao; phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục? Ông đánh giá như thế nào về chỉ đạo này?
- Ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện quyết tâm chính trị của toàn Đảng; nếu không có quyết tâm chính trị thì việc gì cũng không thành công, dù là phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng pháp luật hay các nhiệm vụ cụ thể khác. Do đó, phải có quyết tâm chính trị, quyết tâm chính trị đó trước hết là trong Đảng, trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị.
Khi có quyết tâm rồi thì phải có sự thống nhất trong nhận thức và trong hành động, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng “nói một đằng, làm một nẻo”, hay nói nhưng không làm, thậm chí là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”…, không thể mang lại kết quả như mong muốn. Tổng Bí thư nhấn mạnh điều đó để thấy được sự thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, trong từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người nắm giữ các vị trí, các chức vụ trong bộ máy Đảng và Nhà nước và hệ thống chính trị.
Cùng với đó phải nắm được mục tiêu hành động, nắm được những công việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng tới đây là gì. Sau Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, có bốn điểm phải thống nhất nhận thức thì mới chuyển biến nhanh được. Thứ nhất, xây dựng Đảng phải gắn với hoàn thiện hệ thống chính trị, phải tập trung vào trọng tâm là xây dựng Nhà nước pháp quyền, bởi Đảng ta là Đảng cầm quyền nên phải lãnh đạo qua Nhà nước và cầm quyền thông qua Nhà nước. Gắn xây dựng Đảng với hoàn thiện hệ thống chính trị thì mới tạo ra sức mạnh tổng hợp để đưa đất nước phát triển lên.
Thứ hai là kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Vừa rồi chúng ta đã làm rất quyết liệt. Năm 2021 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chúng ta đã xử lý hơn 2 vạn đảng viên; có tới hàng trăm tổ chức Đảng bị xử lý; Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý…Điều đó để thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của chúng ta trong việc xử lý những sai phạm. Chỉnh đốn Đảng phải làm nghiêm hơn nữa thì mới thúc đẩy xây dựng Đảng tốt hơn.
Thứ ba là phải xây dựng Đảng kết hợp chặt chẽ với bảo vệ Đảng. Trong bảo vệ Đảng hiện nay cần chú ý bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đó là chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ cương lĩnh, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo vệ chính trị nội bộ để chống những phần tử cơ hội, phần tử xấu lọt vào hàng ngũ; bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm...
Cuối cùng, phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Như Bác Hồ từng căn dặn, mọi vấn đề phải đưa ra cho dân thảo luận, bàn bạc trước khi quyết định. Bây giờ chúng ta cũng phải thế và phải thực hiện tốt hơn phương châm mà Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu, đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Nếu lắng nghe ý kiến người dân, chúng ta sẽ lựa chọn được cán bộ tốt.
Xin cảm ơn ông!
Ba yếu tố đem đến thắng lợi của cách mạng nước ta
Theo PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, khi nói về vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu, quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cần chú ý một số điểm. Thứ nhất, Đảng phải có cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn. Đảng lãnh đạo chủ yếu bằng cương lĩnh, đường lối nên tính đúng đắn của cương lĩnh, đường lối quyết định thắng lợi. Do đó, phải chú ý xây dựng và hoàn thiện cương lĩnh, đường lối.
Thứ hai, Đảng phải có trí tuệ, có trình độ lý luận, ở đây là chủ nghĩa Mác Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng không ngừng nghiên cứu, bồi đắp, vận dụng sáng tạo, phát triển lý luận. Khi vận dụng vào thực tiễn, phải lấy lý luận này làm cơ sở khoa học để hoạch định đường lối và soi sáng bước phát triển của cách mạng, bao gồm cả cách mạng giải phóng trước đây và cách mạng xã hội chủ nghĩa, đổi mới hiện nay. Phải nâng cao trình độ lý luận, nắm vững được các quy luật khách quan của lịch sử, của cách mạng để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn. Điều này đòi hỏi phải khắc phục bệnh chủ quan, duy ý chí, nóng vội, thậm chí làm trái quy luật để làm cho Đảng ngày càng mạnh lên về lý luận, trí tuệ.
Trí tuệ ở đây là ngoài lý luận ra thì cần phải nắm vững các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, các khoa học khác, nhất là khoa học lãnh đạo, quản lý; các vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, hệ thống pháp luật… Tất cả những điều đó phải bồi đắp trong Đảng, trong cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) hiện nay, đòi hỏi cán bộ, đảng viên và trong toàn Đảng nói chung phải nâng cao nhận thức về luật pháp để hoàn thiện hệ thống luật pháp thì mới có thể xây dựng, vận hành Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân một cách có hiệu lực, hiệu quả.
Gần đây, Đại hội XIII có chủ trương xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải gắn liền với việc hoàn thiện hệ thống chính trị và khi hoàn thiện hệ thống chính trị phải lấy xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là trung tâm, trọng tâm. Trong điều kiện hoàn thiện hệ thống chính trị và Nhà nước pháp quyền hiện nay, Đảng phải hết sức chú ý điểm này, phải nâng cao tri thức về kinh tế, về khoa học công nghệ, về pháp luật, về thể chế… cho cán bộ, đảng viên thì mới có thể lãnh đạo tốt được.
Yếu tố thứ ba là năng lực tổ chức thực tiễn và tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở thời kỳ nào, cán bộ, đảng viên cũng phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm nêu gương mà gần đây Đảng ta đã nhấn mạnh. Với trách nhiệm và đức hy sinh, ta có đội ngũ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với thách thức, khó khăn để đưa đất nước phát triển.