Phá 'lò ấp' 12.000 sản phẩm thực phẩm chức năng giả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Sau 1 tháng theo dõi, lần theo dấu các shipper (người giao hàng), lực lượng quản lý thị trường đã phá được “lò ấp” với số lượng lên tới 12.000 sản phẩm thực phẩm chức năng giả ở một địa điểm ngoại thành Hà Nội. Đáng chú ý, đây là vụ việc làm giả hoàn toàn các sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Toàn bộ sản phẩm bị làm giả lấy nhãn hiệu của các DN trong nước.
Toàn bộ sản phẩm bị làm giả lấy nhãn hiệu của các DN trong nước.

Lần theo dấu shipper để tìm vị trí sản xuất

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 thuộc Cục QLTT Hà Nội cho biết, vụ việc phá cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) giả ở thôn Cao Sơn, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một vụ việc có nhiều yếu tố mới trong đấu tranh với kinh doanh - sản xuất hàng giả.

Theo đó, trước đây, việc sản xuất TPCN giả thường gặp là giả các thương hiệu của nước ngoài, kinh doanh đóng gói tại các nhà chung cư khó tiếp cận. Nhưng vụ việc Đội QLTT số 1 vừa khám phá và thu giữ lại là hàng giả hoàn toàn các sản phẩm của DN Việt Nam và vị trí sản xuất ở một địa điểm ngoại thành, vùng nông thôn. Do đó, công tác tìm kiếm theo dõi vụ việc gặp nhiều khó khăn.

Ông Nghĩa cho biết, ngay khi phát hiện vụ việc, Đội QLTT số 1 đã tiến hành làm việc với các DN có sản phẩm bị làm giả để xác minh và đề nghị họ cùng vào cuộc. Khi biết chính xác sản phẩm làm giả là sản phẩm của DN trong nước, Đội QLTT số 1 đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, trinh sát bởi thực tế, hiện nay DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh sản xuất, chưa kể, sản phẩm TPCN có thể ảnh hưởng trực tiếp tới người dùng.

“Dựa trên các công tác nghiệp vụ, đặc biệt xử lý nguồn thông tin trên mạng xã hội, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian mới tìm kiếm được địa chỉ sản xuất. Trong đó, việc lần theo đầu mối của nhân viên giao hàng (shipper) đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì nhất. Ngay sau khi lần theo đầu mối của vài nhân viên giao hàng, phát hiện được đúng địa chỉ sản xuất, chúng tôi tiếp tục kết hợp với công an tại địa bàn để tiến hành theo dõi” - ông Nghĩa kể lại.

Sau khoảng 1 tháng kể từ khi phát hiện dấu hiệu thông qua mua bán trên mạng xã hội, Đội QLTT số 1 quyết định tiến hành kiểm tra đột xuất. Cùng với đó, do lường trước vụ việc có yếu tố hình sự nên phối hợp cùng với cơ quan công an để hoàn tất vụ việc, chuyển hồ sơ sang cơ quan công an ngay trong ngày kiểm tra, tiến hành thu giữ hàng hóa.

Theo Lãnh đạo Đội QLTT số 1, đây là vụ việc sản xuất TPCN giả với quy mô lớn và nghiêm trọng, đặc biệt trong tình hình khó khăn chung của DN hiện nay. “Trong thời điểm này, DN đang phải cố gắng cầm cự sản xuất mà hàng hóa lại bị làm giả, đó là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Ngăn chặn sản xuất hàng giả trong thời điểm này là tiếp thêm động lực để DN trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn” - ông Nghĩa nói.

12.000 sản phẩm bị làm giả

Vụ việc được Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra ngày 31/5/2023. Theo đó, Đội QLTT số 1 đã phối hợp cùng Đội QLTT số 25 và Đội Cảnh sát kinh tế (Công an huyện Chương Mỹ) tiến hành kiểm tra một xưởng sản xuất ở một xã ngoại thành Hà Nội có quy mô khoảng 50m2, ẩm thấp, chật chội với 4 nhân công làm việc.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận tại cơ sở có gần 12.000 lọ/hộp TPCN đã được đóng gói thành phẩm với bao bì nhãn mác bắt mắt. Đáng chú ý, một lượng lớn sản phẩm thành phẩm tại đây thể hiện đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm là các DN trong nước như: Công ty TNHH Supharmco; Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhận khẩu Lady Cara; Công ty TNHH Thương mại GENIX, Công ty CP Thịnh Tâm Đường, Công ty TNHH Thương mại Tavuco Việt Nam....

Ngoài số hàng hóa thành phẩm trên, lực lượng chức năng còn ghi nhận tại cơ sở kinh doanh chứa 4.070 lọ nhựa đựng 20 viên sủi/lọ không có nhãn mác; 67kg viên thuốc các loại không có nhãn mác; 44.656 chiếc tem nhãn giấy các loại có chữ Lady, Xtraman, Toca, V3, tem chống hàng giả; 15.478 chiếc vỏ hộp giấy các loại cùng 1 chiếc máy khò nhiệt và 01 chiếc máy ép nhiệt đã qua sử dụng nhãn có chữ nước ngoài. Trị giá toàn bộ số hàng hóa trên khoảng 278 triệu đồng.

Tại hiện trường, ông Kiều Trung Sơn - nhân viên Công ty TNHH Supharmco cho biết hàng hóa là viên sủi thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có nhãn LADY tại cơ sở này không phải là sản phẩm của Công ty CP Dược phẩm Fresh Life sản xuất và Công ty TNHH Supharmco chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm. Sản phẩm có nhãn hàng hóa và bao bì hàng hóa bị làm giả với tên, địa chỉ của DN sản xuất, phân phối sản phẩm; Giả mạo mã số đăng ký lưu hành sản phẩm.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Huy - nhân viên Công ty CP Thịnh Tâm Đường cũng khẳng định, 5.000 hộp thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành phẩm có chữ XTraman hiện đang có tại cơ sở kinh doanh mà lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra không phải là sản phẩm của Công ty CP Dược phẩm SANTEX sản xuất và Công ty CP Thịnh Tâm Đường chịu trách nhiệm trực tiếp về sản phẩm.

Đọc thêm