Cuối tháng 2/2014, những kẻ buôn bán người lần lượt tra tay vào còng. Trinh sát đội 5 PC45 cho biết đây là đường dây buôn người có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.Ngay sau khi vụ bắt cóc trẻ sơ sinh được công an quận 7 triệt phá thành công, trinh sát nắm được thông tin đang tồn tại một đường dây chuyên buôn bán trẻ trên địa bàn thành phố với quy mô lớn.
Nguồn “hàng” chủ yếu của nhóm tội phạm này là các bệnh viện phụ sản như Từ Dũ, Hùng Vương, Trưng Vương, Gia Định, Nhi Đồng.Tại những điểm này, chúng sẽ săn tìm con mồi là những sản phụ có hoàn cảnh khó khăn, đôi nam nữ lỡ “ăn cơm trước kẻng” muốn bỏ con, lân la làm quen và gạ bán trẻ sơ sinh.
Hàng chục trinh sát “hoá trang” theo dõi và tiếp cận. Tuy nhiên, điểm mấu chốt như lời một trinh sát cho biết, muốn truy tố các đối tượng tội buôn bán người cần phải bắt quả tang lúc chúng đang tiến hành giao dịch.
Sau nhiều tháng ròng bám địa bàn, chiều ngày 27/2, nguồn tin cho biết nhóm đối tượng chuẩn bị thực hiện một vụ mua bán trẻ sơ sinh. Ngay lập tức, trinh sát được cử theo bám. Khoảng 17h cùng ngày, hai đối tượng một nam một nữ cùng một sản phụ bế trẻ sơ sinh vào kiểm tra sức khoẻ tại bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10). Sau khi nhận kết quả kiểm tra sức khoẻ cháu bé, cả nhóm tiếp tục gặp một phụ nữ khác ở cổng.
Tại đây, người phụ nữ mới xuất hiện rút tiền đưa cho sản phụ 7 triệu đồng, định bế cháu bé đi thì bị trinh sát ập đến bắt quả tang. Đối tượng đã chung tiền khai tên Ngô Thị Lan (41 tuổi, ngụ quận 1). Nữ đối tượng đi cùng Lan tên là Trần Ngọc Quỳ (44 tuổi, ngụ quận Tân Phú) còn đối tượng nam tên là Nguyễn Văn Viễn (44 tuổi, ngụ quận Gò Vấp).
Đấu tranh khai thác nhanh Lan và Quỳ, ban chuyên án nắm được thông tin vẫn còn khá nhiều đồng bọn của chúng bên ngoài nên quyết định vừa đấu trí với hai kẻ tội phạm vừa “án binh bất động”, rồi bắt giữ thêm bốn đối tượng gồm: Phạm Tuấn Phương (52 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Nông), Trần Thiện Nhân (44 tuổi, ngụ quận 1) và Tưởng Đình Thương (35 tuổi, quê ở Hải Phòng). Phần lớn những đối tượng đều không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định.
Các trinh sát tham gia chuyên án cho biết, đến thời điểm hiện tại đã có 7 đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh trên bị bắt giữ. Trong đó có Võ Thị Kiều Trang (SN 1988) là mẹ cháu bé 3 ngày tuổi được bán cho Lan vào thời điểm bị bắt giữ.
Điều đáng nói, Trang đã bán chính con ruột của mình được sinh vào ngày 24/2. Đối tượng này sống lang thang cùng Viễn tại công viên Phạm Viết Chánh (quận 1), sau khi con gái nặng hơn 3kg tại bệnh viện Từ Dũ, do không đủ điều kiện nuôi dưỡng đã nảy sinh ý định bán con.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy Lan và Thương giữ vai trò cầm đầu đường dây. Đặc biệt, Lan khai nhận có mối quan hệ mật thiết với Nguyễn Thanh Hằng (28 tuổi, ngụ ở Hóc Môn, sinh sống ở Quảng Ninh). Hằng đã bị công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ vào cuối tháng 8/2013 khi đang tìm cách bán trẻ sơ sinh sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái.
Trước đó, Lan vẫn thường cung ứng trẻ sơ sinh đem bán cho Hằng. Phần lớn trẻ sơ sinh được nhóm đối tượng do Lan cầm đầu vận chuyển ra Bắc bằng ô tô hoặc đường tàu lửa. Từ khi Hằng sa lưới pháp luật, Lan không hề “nhụt chí” mà tự mình móc nối với những đối tượng khác để tiếp tục hành nghề phi pháp. Gần đây nhất chính là bắt tay với đối tượng tên Thương.
Táo tợn hơn, nhóm buôn người còn công khai rao bán việc mua bán trẻ sơ sinh trên một trang mạng có tên “mầm sống việt”. Ngoài ra, nhóm buôn người còn in tờ rơi rải khắp các bệnh viện. Liên quan đến website “mầm sống việt”, vào thời điểm nhóm tội phạm bị bắt giữ, trang mạng này vẫn hoạt động công khai. Trên đó chủ website công khai cung ứng nhiều dịch vụ bị pháp luật nghiêm cấm như: Mang thai hộ, đẻ thuê, cung cấp tinh trùng, cung cấp người mang thai hộ…
Trang mạng các đối tượng rao bán trẻ |
Trong đường dây buôn bán người vừa bị bắt giữ, cảnh sát nhận thấy các đối tượng hoạt động rất chuyên nghiệp, phân chia nhiệm vụ cụ thể và phối hợp rất ăn ý. Nếu công tác phá án không kĩ lưỡng, các đối tượng sẽ dễ dàng chối bỏ hành vi mua bán người.
Cụ thể, hơn nửa đối tượng đóng vai chạy xe ôm, bán hàng rong chuyên lân la ở các bệnh viện phụ sản. Nếu phát hiện “con mồi”, bọn chúng lập tức tiếp cận, trình bày rõ ý định mua bán trẻ. Để bố mẹ những đứa trẻ tin tưởng, chúng vẽ nên viễn cảnh sán lạn cho đứa trẻ, chẳng hạn như trẻ được gia đình giàu có nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng đàng hoàng.
Mức giá mua bán trẻ dao động từ vài triệu đến 10 triệu đồng mỗi cháu, tuỳ theo thể trạng của trẻ và động cơ bán con của các sản phụ. Số tiền thu lợi bất chính được chia đều cho cả nhóm. Những đối tượng môi giới hưởng từ 1 đến 2,7 triệu đồng/bé, còn lại Lan và Thương ăn chia.
Cũng theo lời khai của Lan và đồng bọn, chúng chỉ tiến hành giao dịch bán trẻ sơ sinh cho các “ông trùm”, “bà trùm” còn chuyện những đứa trẻ sẽ được sử dụng vào mục đích nào không rõ. Lan khai, được những “cộng sự” cấp trên cho biết những trẻ sơ sinh sẽ được bán lại cho những gia đình hiếm muộn, cần con nuôi. Thị trường không chỉ các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam Bộ mà đưa sang cả Trung Quốc. Chỉ trong thời gian từ tháng 6/2013 đến nay, nhóm của Lan đã mua bán trót lọt khoảng 20 cháu bé sơ sinh.
Đối tượng Lan khai nhận đã mua bán trẻ sơ sinh với Quỳ, Phương và Thương tại bệnh viện Từ Dũ 4 lần. Giữa tháng 2/2014, Phương giới thiệu cho Lan mua một bé trai mới sinh ở bệnh viện Gia Định với giá 14,5 triệu đồng. Đứa bé này sau đó được bán lại cho một phụ nữ ở Tây Ninh với giá 35 triệu đồng. Riêng thương vụ này, Thương lấy 6,5 triệu đồng, Phương lấy 4,5 triệu đồng, Quỳ nhận 1 triệu đồng, Lan hưởng lợi 6 triệu đồng. Trong tháng 8/2013, Lan cùng một đối tượng khác đã giao 2 trẻ sơ sinh ra Quảng Ninh để bán.