Phá vụ lừa đảo tinh vi bằng công nghệ

(PLO) - Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Phòng Cảnh sát hình sự PC45 - Công an Nghệ An) vừa triệt phá nhóm đối tượng chuyên sử dụng công nghệ tinh vi, lừa đảo qua mạng.
Nguyễn Đức Huy tại CQĐT.
Nguyễn Đức Huy tại CQĐT.

Thời điểm tháng 11/2017, Phòng PC45 nhận được trình báo của chị Hồ Thị H. (trú TP.Vinh, Nghệ An) về việc bị một đối tượng sử dụng tài khoản Facebook của người quen lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 100 triệu đồng. Những ngày sau đó, Phòng PC45 tiếp tục nhận được 5 đơn trình báo của 5 bị hại bị kẻ gian 'móc túi' hơn 300 triệu đồng cùng hành vi tương tự.

Trước tình hình trên, Phòng PC45 đã xác lập chuyên án để điều tra triệt phá, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trực tiếp xác minh, làm rõ. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát Đội 7, Phòng PC45 đã ập vào một phòng trọ tại phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng bắt giữ Nguyễn Đức Huy (SN 1998) và Lê Văn Ngọc Tú (SN 1996) cùng trú thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) và các thiết bị, tài liệu liên quan.

Tại CQĐT, các đối tượng khai nhận Huy và Tú cùng với Nguyễn Văn Đông (SN 1988, trú thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) thực hiện trót lọt 14 vụ lừa đảo, chiếm đoạt 275 triệu đồng của các nạn nhân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. 

Trong đó, Nguyễn Đức Huy là người có kiến thức về công nghệ thông tin, được xác định là kẻ cầm đầu đường dây này, Tú là người hack Facebook của các nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Mô tả ảnh
Mô tả ảnh

Với thủ đoạn là hỏi số tài khoản ngân hàng có sử dụng dịch vụ Internet banking để nhờ nhận giúp 1 khoản tiền gửi từ người khác. Khi Tú lấy được số tài khoản và số điện thoại của nạn nhân, Nguyễn Đức Huy sẽ dùng thủ thuật công nghệ tạo một tin nhắn giả đầu số tổng đài của ngân hàng, thông báo biến động số dư vào điện thoại của nạn nhân.

Ngay khi nạn nhân nhấn vào đọc tin nhắn này sẽ hiển thị 1 trường khác, yêu cầu nhập các thông tin về cá nhân, tài khoản ngân hàng và mã OTP. Bằng các thông tin nạn nhân vừa cung cấp các đối tượng lập tức rút tiền trong tài khoản và chuyển tiền để mua tiền ảo Bitcoin, sau đó bán Bitcoin, yêu cầu người mua chuyển vào tài khoản mang tên người khác trước khi chuyển về tài khoản của Huy để rút tiền mặt.

Ngành chức năng đã làm rõ được 14 vụ lừa đảo do các đối tượng cùng nhau thực hiện. “Khi kiểm tra ngẫu nhiên 1 điện thoại thu được của nhóm đối tượng này, chúng tôi phát hiện danh sách gần 300 cuộc điện thoại đi. Lựa chọn ngẫu nhiên 15 số điện thoại để xác mình thì có 3 người dân ở các tỉnh Nam Định, Đà Nẵng, Hải Dương cho biết họ là nạn nhân của trò lừa đảo này”, một cán bộ trong chuyên án cho biết.

Nguyễn Đức Huy khai nhận do có đam mê về công nghệ thông tin nên thi vào một trường cao đẳng ở Đà Nẵng nhưng lại dính vào các trò chơi cá cược tiền bạc trên mạng. Huy khai nhận có thời điểm có hơn 1 tỉ đồng trong tài khoản do thắng bạc, tuy nhiên số tiền trên cũng nhanh chóng rời túi khi tiếp tục dính vào trò đỏ đen và ôm thêm đống nợ nần.

Túng thiếu, với thủ thuật công nghệ cao học được, Huy bàn bạc với Tú và Đông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Được biết, hai đối tượng Tú và Đông không có nghề nghiệp ổn định, là con nghiện ma túy đá. Số tiền chiếm đoạt được sử dụng cho việc ăn uống chi tiêu và chơi bạc. Thời điểm bị bắt giữ, dù đã thực hiện 14 vụ, chiếm đoạt gần 300 triệu đồng nhưng trong tài khoản của Đức chỉ còn rất ít tiền.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam về hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Riêng đối tượng Nguyễn Văn Đông đang được cảnh sát truy bắt để phục vụ điều tra vì đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương. 

Để tránh thành “miếng mồi” của các đối tượng Phòng PC45 Công an Nghệ An khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các thông tin vậy tiền, nhờ tài khoản Internet Banking để gửi tiền từ nước ngoài về qua tin nhắn trên mạng xã hội; Không nhập các thông tin tài khoản ngân hàng (số tài khoản, mật khẩu, mã OTP...) vào các trang web không tin cậy (không phải trang web của ngân hàng); Những người đang định cư ở nước ngoài cần chú ý bảo mật tài khoản mạng xã hội của mình bằng cách đặt mật khẩu đủ mạnh (không sử dụng các thông tin công khai như số điện thoại, ngày sinh, họ tên...để đặt mật khẩu), cài đặt bảo mật hai lớp để ngăn chặn các đối tượng hack tài khoản phục vụ lừa đảo. 

Đọc thêm