Chiều 10/2, tiếp tục Phiên họp thứ 42, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
UBTVQH đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (với nội dung chủ yếu: Điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km và 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km, tại 9 tỉnh, TP: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng); xem video clip thuyết minh về chủ trương đầu tư dự án; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án.
Thống nhất về chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường sắt, kết nối các đô thị, khu công nghiệp lớn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng. Chủ tịch QH lưu ý, về hướng tuyến cần lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm tính kết nối với dự án mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và các loại hình vận tải khác, hạn chế tối đa đi qua khu dân cư và sử dụng quỹ đất rừng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Lê Quang Mạnh khẳng định, đây là chủ trương rất quan trọng nhằm đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Về nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho dự án bởi hiện nay các Nghị quyết của QH cho phép ưu tiên sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi cho các dự án lớn và quan trọng. Trong khi đó, bản chất của tăng thu, tiết kiệm chi là hàng năm khi tăng thu vượt dự toán mới có nguồn tăng thu tiết kiệm chi.
“Nếu chúng ta xây dựng dự toán đủ lớn, sát với thực tiễn thì mới có nguồn lực chủ động đầu tư các khoản đã xây dựng kế hoạch. Nếu xây dựng dự toán thấp sẽ thiếu nguồn lực để thực hiện dự án khác. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm để xác định phạm vi của các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ tăng thu, tiết kiệm chi”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ rõ và lưu ý, nếu như tiến độ thực hiện các dự án không song song đồng bộ với tiến độ của nguồn tiền tăng thu tiết kiệm chi thì hiệu quả dự án sẽ bị ảnh hưởng.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất trình QH xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, tạo bước đột phá trong phát triển, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải, kết nối với các trung tâm đô thị, khu công nghiệp lớn, cửa khẩu, cảng biển của vùng trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và vận tải hàng hóa từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đến cảng biển quốc tế.
Phó Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch QH, UBTVQH, ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ dự án và hoàn thiện một số vấn đề: Rà soát tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, hướng tuyến của dự án và việc kết nối mạng lưới đường sắt, hệ thống giao thông khác, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đánh giá kỹ các yếu tố tác động đến tiến độ triển khai, để có giải pháp đến năm 2030 cơ bản hoàn thành xây dựng dự án, việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư, lựa chọn nhà đầu tư, việc đáp ứng về công nghệ, nhân lực, vật liệu... trong quá trình khai thác, đưa vào sử dụng.
Trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cần thiết, cấp bách trên nhiều lĩnh vực như giao thông, năng lượng, Phó Chủ tịch QH nhấn mạnh, UBTVQH đề nghị Chính phủ phải bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, đánh giá kỹ lưỡng hơn các rủi ro và các giải pháp kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro thiếu vốn, không hoàn thành dự án đúng tiến độ, hoặc phải huy động vốn với chi phí cao, rủi ro mất cân đối ngân sách trong trung hạn khi các khoản nợ đến hạn trả và trả lãi lớn…
Cũng tại Phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Xem xét, phê chuẩn việc xác định và công bố đường cơ sở; Cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến năm 2035; Chủ trương và cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận…