TINH GỌN ĐỂ ĐẤT NƯỚC VƯƠN MÌNH

Kỳ 2: Chuyện của 'cuộc cách mạng' tinh giản hôm nay

Trên tinh thần lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm - người đứng đầu Đảng ta: “Đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc !”, có thể coi việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW là “cuộc cách mạng” tinh giản lần thứ hai của đất nước...
Kỳ 2: Chuyện của 'cuộc cách mạng' tinh giản hôm nay

Ngày 25/10/2017 Đảng ta ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18-NQ/TW). Nghị quyết này có hiệu lực từ năm 2017. Những năm qua, mặc dù các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện Nghị quyết này, nhưng chưa thực sự triệt để, mang tính hệ thống, đồng bộ, hiệu quả.

Nửa cuối tháng 12/2024, với tinh thần “trên trước, dưới sau”, khí thế thần tốc, khẩn trương “vừa chạy vừa xếp hàng” và “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Đảng ta đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trên tinh thần lời hiệu triệu của Tổng Bí thư Tô Lâm - người đứng đầu Đảng ta: “Đất nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!”, có thể coi đây là “cuộc cách mạng” tinh giản lần thứ hai của đất nước sau “cuộc cách mạng” tinh giản lần thứ nhất mang “số hiệu” 176, năm 1989.

Mặc dù những ngày áp Tết Nguyên đán năm Giáp Thìn 2024, nhưng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, thực hiện triệt để Nghị quyết số 18-NQ/TW sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế. Các cơ quan của Đảng đã đi đầu, khẩn trương rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ở mức cao nhất. Các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương cũng đi đầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương chủ động rà soát, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng truyền đạt các nội dung chính, trọng tâm trong triển khai tổng kết Nghị quyết số 18. Đề cập đến một số nội dung gợi ý, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng,

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã nêu nội dung phương án sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương; kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, chuyển các nhiệm vụ chính về Bộ Ngoại giao, một phần công việc về Văn phòng Trung ương Đảng; kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, chuyển nhiệm vụ về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế và một số bệnh viện Trung ương;chuyển chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương về Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; kết thúc hoạt động các tạp chí của các ban đảng Trung ương,chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Tạp chí Cộng sản; giao các ban đảng Trung ương, Tạp chí Cộng sản chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; tập trung xây dựng Tạp chí Cộng sản là cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương; kết thúc hoạt động của Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Báo Nhân Dân; giao Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế; kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân dân, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài truyền hình Việt Nam, giao Báo Nhân Dân chịu trách nhiệm thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế, tập trung xây dựng Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận của Trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung vào báo in, báo điện tử để thực hiện nhiệm vụ chính trị, được ngân sách Nhà nước bảo đảm chi cho các hoạt động; kết thúc hoạt động của 2 Đảng ủy khối, lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các ban đảng, cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Toà án Nhân dân tối cao; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng; kết thúc hoạt động của Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, chuyển các tổ chức đảng ở các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước về trực thuộc Đảng uỷ Chính phủ và đảng uỷ một số bộ chuyên ngành; kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng Chính phủ, lập Đảng bộ Chính phủ trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và một số đảng bộ trong các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước; giữ nguyên Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an trực thuộc Trung ương như hiện nay.

Kết thúc hoạt động của các ban cán sự đảng, lập Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực thuộc Đảng ủy Chính phủ gồm: Ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ. Ban thường vụ đảng uỷ gồm đồng chí Bộ trưởng làm Bí thư, các đồng chí Thứ trưởng, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ và 1 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách; cấp có thẩm quyền chỉ định nhân sự ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng uỷ, quy định ban thường vụ đảng uỷ thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ hiện nay. Như vậy, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu mối (giảm 9 đầu mối) gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc.

Kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Quốc hội, lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Quốc hội. Đảng ủy Quốc hội ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Quốc hội và các cấp ủy trực thuộc. Kết thúc hoạt động của ban cán sự đảng, lập Đảng bộ Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Đảng ủy Quốc hội (tương tự Đảng bộ các bộ, cơ quan ngang bộ). Sau khi sáp nhập, tinh gọn, số đầu mối các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giảm gần 36%; các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội sẽ giảm trên 40%.

Kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trực thuộc Trung ương, gồm các tổ chức đảng ở các cơ quan thuộc khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; có cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại Cơ quan Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngoài các chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ trực thuộc Trung ương, còn bao gồm chức năng, nhiệm vụ của đảng đoàn như hiện nay; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với hoạt động của khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cấp uỷ trực thuộc. Đồng thời, kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập Đảng uỷ ở các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kết thúc hoạt động của các đảng đoàn, lập đảng bộ, chi bộ ở các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Rà soát lại hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết.

Cũng tại Hội nghị này, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho hay: “Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm: 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương, 25 ban cán sự đảng, 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; tăng 2 đảng uỷ trực thuộc Trung ương”.

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thuộc tốp đầu trong hệ thống cơ quan của Đảng thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đề án về sắp xếp, tinh giản của Học viện đã được Bộ Chính trị phê duyệt; đồng thời, ban hành Quyết định số 214-QĐ/TW ngày 28/12/2024 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Theo đó, Học viện hợp nhất Học viện Hành chính quốc gia, Hội đồng lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật về; đồng thời, sắp xếp, tinh gọn một số vụ, viện và thành lập mới Học viện Hành chính và Quản trị công. Sau khi sắp xếp, tinh gọn, đến nay Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh còn 16 vụ, đơn vị chức năng và 6 học viện trực thuộc. Hiện nay, các vụ, đơn vị chức năng, các học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cơ bản đã hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy; đồng thời dần sắp xếp, ổn định vị trí việc làm đối với cán bộ, viên chức và người lao động. Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025, các vụ, viện và Học viện trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tiến hành sắp xếp, phân công, ổn định vị trí việc làm đối với cán bộ, viên chức được tiếp nhận từ Học viện Hành chính quốc gia trước khi sáp nhập.

Trong tháng 2/2025, Quốc hội sẽ tiến hành Kỳ họp bất thường lần thứ 9 để thảo luận, quyết định về cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan của Chính phủ sau khi sắp xếp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương...; cho ý kiến, quyết định một số vấn đề quan trọng khác liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Cùng với hệ thống chính trị ở Trung ương, các địa phương cũng đã vào cuộc nhanh chóng triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 18-NQ/TW. Điển hình phải kể đến hai thành phố lớn, đầu tàu của cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 21/1/2025, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII. Hà Nội triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất chiến lược liên quan đến sự phát triển Thủ đô, trong đó phải kể đến việc triển khai Nghị quyết 1286/NQ - UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, từ ngày 1/1/2025, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 53 đơn vị, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.

Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập khối chính quyền. Cụ thể: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính để thành lập Sở Kinh tế - Tài chính; hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường; hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ để thành lập Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông; hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ để thành lập Sở Nội vụ và Lao động; hợp nhất Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND Thành phố; hợp nhất Ban Quản lý các khu Công nghiệp và Chế xuất và Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc để thành lập Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố…

Các sở, ngành của Thành phố Hà Nội thuộc diện chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ như: Sở Y tế dự kiến tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sở Công Thương tiếp nhận nguyên trạng Cục quản lý thị trường địa phương từ Bộ Công Thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương. Ban Dân tộc tiếp nhận nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ; chức năng, nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo. Văn phòng UBND TP tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Ngoại vụ và nhiệm vụ xúc tiến đầu tư nước ngoài từ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội.

Sắp xếp các Chi cục và đơn vị tương đương thuộc Sở như: Hợp nhất Chi cục phát triển nông thôn và Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường; giải thể Chi cục Dân số Hà Nội để thành lập phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế.

Sắp xếp đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành phố như: Giải thể Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan có liên quan. Đối với cơ quan báo chí thuộc UBND Thành phố thực hiện sắp xếp, kiện toàn sau khi có kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và quyết định của cấp có thẩm quyền về sắp xếp các cơ quan báo chí của Thành phố. Đối với đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành: Tiến hành rà soát sắp xếp theo hướng chỉ giữ lại các đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và các đơn vị gắn với chức năng, nhiệm vụ của sở, ngành đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, điều kiện thành lập theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực.

Các phòng chuyên môn thuộc UBND quận, huyện, thị xã trực thuộc Thành phố cũng được xem xét, sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô hiện nay.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Chiều 4/12, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên chủ trì Hội nghị lần thứ 34 (mở rộng) Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025) quán triệt triển khai việc tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW tại Thành phố. Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cao quan điểm chỉ đạo của Trung ương và xác định chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết 18 phải được triển khai với quyết tâm chính trị cao nhất, xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cần phải thống nhất cao về nhận thức, tạo sự đồng thuận, chấp hành nghiêm trong hệ thống chính trị. Cụ thể, Ban Thường vụ Thành ủy đã định hướng sắp xếp Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Thành ủy; kết thúc hoạt động của 11 đảng đoàn, 3 Ban cán sự đảng và Đảng ủy Khối Dân - Chính - Đảng Thành phố; thành lập mới 2 Đảng bộ trực thuộc Thành ủy gồm Đảng bộ cơ quan đảng, đoàn thể, tư pháp Thành phố và Đảng bộ khối chính quyền Thành phố; chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các tổ chức đảng trong các Đội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ về thuộc Đảng bộ cơ quan Đảng, đoàn thể, tư pháp Thành phố; chuyển các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố và 24 đảng bộ cấp trên cơ sở về trực thuộc Đảng bộ chính quyền (trừ Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Bộ đội Biên phòng Thành phố; chuyển giao một số tổ chức cơ sở Đảng loại hình doanh nghiệp, sự nghiệp về trực thuộc các Quận ủy, Huyện ủy và Thành ủy Thành phố Thủ Đức; sau khi sắp xếp theo định hướng trên, Đảng bộ Thành phố còn 27 đảng bộ trực thuộc, giảm 24 đảng bộ.

Về phương án tinh gọn bộ máy khối chính quyền, Thành phố Hồ Chí Minh sáp nhập các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác trực thuộc khác trên nguyên tắc Trung ương có bộ nào thì Thành phố có sở tương ứng. Cụ thể: Sáp nhập 10 sở, kết thúc hoạt động 2 sở, sắp xếp các cơ quan Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ cao, Khu chế xuất - Khu công nghiệp, Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông Thành phố; sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc;sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc;sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc; sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao. Sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số; kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao; kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương; sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc. Sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo phương án sắp xếp, tinh gọn, Thành phố Hồ Chí Minh giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính khác trực thuộc.

Thành phố cũng nghiên cứu sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, gồm các Ban Quản lý, đơn vị sự nghiệp báo chí, giáo dục, y tế...; kết thúc hoạt động, sáp nhập đối với một số Ban chỉ đạo cấp thành phố, chỉ giữ lại các Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết. Đối với cấp huyện, đề xuất thành lập đảng bộ khối đảng, đoàn thể, tư pháp cấp huyện và đảng bộ khối chính quyền cấp huyện. Nghiên cứu đề xuất sáp nhập Phòng Kinh tế và Phòng Tài chính - Kế hoạch. Kết thúc hoạt động đối với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội. Nghiên cứu đề xuất sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Riêng Thành phố Thủ Đức có nghiên cứu đề xuất phù hợp với đặc điểm, tình hình.

Các địa phương khác trong cả nước cũng đã chủ động, khẩn trương tiến hành rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và cũng đã bước đầu có những kết quả đáng ghi nhận.

Như vậy, rõ ràng “cuộc cách mạng” về tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW đã được triển khai trong toàn hệ thống chính trị và đã được tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần nhanh chóng, khẩn trương, “trên làm trước, dưới làm sau”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Và chúng ta có thể tự hào, khẳng định đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Kỳ 3: Quản trị sự thay đổi bằng chính sách

Đọc thêm