UBND tỉnh này đã tổ chức một cuộc gặp thương lượng giữa các hộ nuôi cá và các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Trước những chứng cứ không thể chối cãi về việc xả thải dẫn đến cá chết, các doanh nghiệp chỉ đồng ý “hỗ trợ” chứ không chịu “bồi thường”.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp và các ngành liên quan giúp bà con khởi kiện ra Tòa đòi bồi thường. Giới luật sư ở tỉnh này cũng sẵn sàng nhập cuộc, giúp đỡ bà con và chỉ lấy mức thù lao rất thấp (5%).
Như vậy, chính quyền vào cuộc, bảo vệ quyền lợi không chỉ cho những người dân bị thiệt hại mà còn bảo vệ chính môi trường của địa phương. Vụ kiện này có 33 đồng nguyên đơn và 14 doanh nghiệp đồng bị đơn.
Rõ ràng, anh gây thiệt hại thì phải bồi thường đúng theo quy định pháp luật, làm gì có chuyện hỗ trợ ở đây!
Tại một diễn biến khác, tương tự là cá nuôi trên sông Bưởi bị chết hàng loạt. Nguyên nhân cũng do xả thải độc hại ra môi trường. Chưa cần điều tra thì một nhà máy đường ở Hòa Bình đã nhận mình là “thủ phạm”.
Tuy nhiên, các phương án nhằm cứu giúp bà con nông dân và cả cứu môi trường nữa thì chưa thấy đề cập hiện cơ quan Công an tiếp nhận xử lý việc này. Đáng chú ý nhất trong sự việc này là một quan chức đã phát biểu với báo giới đây là “chuyện nhỏ”. Cái “chuyện nhỏ” này đã làm rất nhiều người phẫn nộ và chê trách thái độ vô cảm của những người có trách nhiệm với môi trường và đời sống của dân.
Nhà máy này phải nhanh chóng bồi thường cho dân, chứ không được dùng kế câu giờ, nhùng nhằng hỗ trợ!
Hai câu chuyện trên có diễn biến giống nhau nhưng cách hành xử của chính quyền rất khác nhau. Cách làm của chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là rất đáng hoan nghênh, thể hiện tính chất một chính quyền vì dân, rất đáng để các địa phương khác noi theo.