“Thần đèn” cũng khốn khổ vì bất cập trong quản lý đất đai

Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam của Kỹ sư Trần Quốc Khánh - người được mệnh danh là “Thần đèn đất Bắc” - thiệt hại lớn khi nhà nước thu hồi diện tích đất mà Cty được giao và đã trả tiền đền bù cho người dân.

Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam của Kỹ sư Trần Quốc Khánh - người được mệnh danh là “Thần đèn đất Bắc” - thiệt hại lớn khi nhà nước thu hồi diện tích đất mà Cty được giao và đã trả tiền đền bù cho người dân.

Khu công nghiệp Quang Minh
Khu công nghiệp Quang Minh

Vừa được thuê đất, lại bị thu hồi

Năm 2004, Cty TNHH Xử lý lún nghiêng Việt Nam được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho thuê đất để thực hiện dự án xây dựng nhà máy bê tông đúc sẵn và kết cấu thép tại KCN Quang Minh, huyện Mê Linh (nay thuộc Hà Nội). Cty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đền bù giải phóng mặt bằng cho các hộ dân có đất nông nghiệp bị thu hồi. Để nhanh chóng giải phóng mặt bằng, Cty thỏa thuận bồi thường với các hộ dân theo mức bồi thường cao hơn khung giá đất nông nghiệp do Nhà nước quy định.

Bên cạnh đó, đối với các hộ dân có đất không bị thu hồi hết, gây khó khăn cho việc sử dụng, được sự đồng ý của Nhà nước, Cty cũng đã bồi thường toàn bộ thửa đất, quản lý đối với diện tích đất nằm ngoài chỉ giới được giao. Khi DN khác có nhu cầu sử dụng đất, được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất thì Cty sẽ bàn giao để chủ đầu tư có nghĩa vụ hoàn trả tiền đền bù cho Cty. Với việc thực hiện các nghĩa vụ trên, Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam là một trong số ít DN làm tốt việc đền bù giải phóng mặt bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các hộ nông dân bị thu hồi đất.         

Thế nhưng, chỉ chưa đầy 3 năm kể từ khi ký hợp đồng thuê đất, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã điều chỉnh lại quy hoạch tuyến đường tỉnh lộ 35 và đường nội bộ trong KCN Quang Minh. Hai tuyến đường này đi qua diện tích đất mà Cty  sử dụng nên Nhà nước lại thu hồi diện tích đất đã cho Cty thuê, trong đó có cả diện tích Cty không thuê nhưng đã bồi thường cho người dân. Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê đất trước thời hạn với Nhà nước, trả lại một phần diện tích đất thuê.

Vậy là sau khi vừa mới bỏ ra hàng tỷ đồng bồi thường cho người dân để có đất xây dựng Nhà máy, Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam lại trở thành người bị thu hồi đất.

“Quýt” làm, “cam” hưởng

Nhưng, khác với việc Cty nhanh chóng bồi thường cho người dân theo thỏa thuận với mức có lợi nhất cho người có đất bị thu hồi, khi trở thành “người bị thu hồi đất”, Cty đã bị đối xử không công bằng đến mức phải phản ứng quyết liệt đối với những gì mà UBND, đặc biệt là Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh đã làm.

Theo phản ánh của Cty Xử lý lún nghiêng, trong quá trình thực hiện chính sách bồi thường thu hồi đất đối với Cty, Ban Đền bù giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh đã thực hiện những việc làm rất khó hiểu, gây thiệt hại cho DN; khi thu hồi đất của Cty nhưng lại bồi thường thiệt hại cho… người dân.

Cụ thể, đối với các thửa đất của 5 hộ dân mà trước đó Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất giao cho Cty xử lý lún nghiêng Việt Nam, Cty cũng đã bồi thường thiệt hại cho người dân và quản lý. Lẽ ra khi Nhà nước thu hồi diện tích đất này để xây dựng đường, thì Cty phải được bồi thường đối với diện tích đất được thu hồi nhưng không hiểu vì lý do gì, UBND huyện Mê Linh lại bồi thường cho các hộ dân.

Hậu quả, 5 hộ dân được nhận bồi thường 2 lần còn DN đang sử dụng đất thì không được gì.  Ngoài ra, còn gần 1.750m2 của 12 hộ dân cũng đã được Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam đã bồi thường. Hiện nay, diện tích đất này cũng nằm trong lộ giới mở rộng đường 35 nhưng Cty không nhận được bồi thường và cũng giống như đối với diện tích đất của 5 hộ dân trên, Ban Đền bù giải phóng mặt bằng cũng dự định trả tiền cho các hộ dân đã từng được nhận đền bù.

Cty Xử lý lún nghiêng Việt Nam phản ánh, đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Mê Linh cho rằng, việc bồi thường lần hai cho các hộ dân là “có căn cứ pháp luật”. Đối với Cty, để được nhận tiền bồi thường, Cty phải tự đi đòi các hộ dân đã nhận tiền lần 2. Cách làm này đã khiến Cty chịu thiệt hại lớn khi đã bỏ ra hàng tỷ đồng đền bù cho dân để rồi… trắng tay.

Với việc thực hiện chính sách bồi thường mà ai nhìn vào cũng thấy bất cập, UBND huyện Mê Linh đã không căn cứ trên thực tế sử dụng đất của người dân và DN hay đằng sau việc làm khó hiểu này còn có nguyên nhân khác?.

Liệu có nguyên nhân sâu xa nào phía sau việc đối xử không công bằng với doanh nghiệp, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Anh Tuấn về vấn đề này:

Thưa Luật sư, ông đánh giá như thế nào về việc Ban Đền bù giải phóng mặt bằng buộc DN phải đi đòi tiền người dân trong khi hoàn toàn có thể trả tiền đền bù trực tiếp cho DN?

- Trong việc thực hiện chính sách đền bù quyền sử dụng đất thì phải căn cứ vào hồ sơ địa chính theo một nguyên tắc chung Nhà nước đền bù cho người sử dụng đất. Cty là người sử dụng đất theo quy định của pháp luật từ thời điểm được giao đất năm 2006 nên phải là người được nhận đền bù.

Vậy mà năm 2012, Ban đền bù giải phóng mặt bằng vẫn thực hiện việc đền bù cho các hộ dân thì rõ ràng là không đúng. Việc thực hiện bồi thường như vậy không chỉ không phù hợp với hồ sơ mà còn có nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện khiến cho việc giải phóng mặt bằng bị kéo dài.

Theo ông, nguyên nhân sâu xa của việc làm không hợp lý này là gì?

- Trước đây, khi thu hồi đất của người dân để giao cho DN thì đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, có khung giá bồi thường thấp. Khi đã giao cho DN, đất sẽ trở thành đất phi nông nghiệp nên có khung giá cao hơn. Hơn nữa, DN đã đầu tư vào đất sẽ làm tăng giá trị của đất nên việc bồi thường sẽ phải tính đến các chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Vì vậy, tôi cho rằng, việc trả tiền trực tiếp cho dân theo khung giá đất nông nghiệp là để không phải bồi thường cho DN theo khung giá đất phi nông nghiệp (giá cao hơn) và còn “né” việc bồi thường chi phí đầu tư của DN vào. Điều này dẫn đến hậu quả là DN bị thiệt hại nghiêm trọng và đây là những việc làm không đúng, thiếu căn cứ pháp lý.

Xin cảm ơn ông.

Bình Minh

Đọc thêm