Phải cắt bỏ tinh hoàn vì tự điều trị bằng kháng sinh

(PLO) - Tự điều trị bằng kháng sinh, một bệnh nhân đã phải cắt bỏ tinh hoàn do bị kháng kháng sinh. Đây không phải là trường hợp hiếm gặp trong thực trang nan giải hiện nay.
DS Nguyễn Thị Đại Phong, Trưởng khoa Dược BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết đã có nhiều loại vi khuẩn bị đề kháng với hầu hết tất cả các loại kháng sinh.

Vì thói quen tự làm bác sĩ

Mới đây, TS.BS Mai Bá Tiến Dũng - Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TP HCM) vừa tiếp nhận một trường hợp bị kháng kháng sinh dẫn đến phải cắt bỏ tinh hoàn.

Bệnh nhân là T.T.H (quận 9, TP HCM), sau khi quan hệ tình dục khoảng 10 ngày thì có dấu hiệu sưng đau vùng tinh hoàn. Thay vì đến BV khám, bệnh nhân đã tự ý mua kháng sinh về uống và tình trạng không được cải thiện.

Khi đến Khoa Nam học, BV Bình Dân thì tinh hoàn của bệnh nhân đã xuất hiện khối viêm sưng cứng. Xét nghiệm nước tiểu để làm kháng sinh đồ cho thấy bệnh nhân kháng với hầu hết các loại kháng sinh.

Sau khi điều trị 7 ngày với phác đồ gồm các dòng kháng sinh mạnh nhất hiện nay nhưng không đáp ứng thuốc, các bác sĩ đã buộc phải cắt bỏ tinh hoàn của bệnh nhân.

Còn tại BV Đa khoa Vạn Hạnh (TP HCM), chỉ tính riêng trong tháng 8, BS. Dương Minh Tuấn cũng đã chứng kiến 5 trường hợp bệnh nhân bị kháng kháng sinh, trong đó có những bệnh nhân bị kháng với hầu hết các loại kháng sinh được thử. 

DS. Nguyễn Thị Đại Phong - Trưởng khoa Dược BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: “Hầu như các kháng sinh hiện nay đều có một tỷ lệ đề kháng nhất định. Có những kháng sinh đã bị đề kháng đến 40-50%, thậm chí có những loại bị đề kháng đến 70-80%, tùy theo đó là con vi khuẩn gì. Có thể kể đến những loại vi khuẩn đã đề kháng gần như hầu hết các loại kháng sinh như Pseudomonas aeruginosa, Acinetobacter baumanii…

Khi có ca bệnh vi khuẩn kháng kháng sinh, các bác sĩ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều trị, nhất là các ca bệnh nặng vì việc điều trị phải kéo dài, phải dùng đến các kháng sinh cao cấp đắt tiền nên gánh nặng kinh tế rất lớn. Thực tế có những loại kháng sinh có giá cao đến 800-900 ngàn đồng/lọ/1g, trong khi đó có những bệnh nhân phải dùng đến 6g một ngày, chưa kể phải kết hợp với các loại kháng sinh khác. 

Theo DS. Phong, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh. Về mặt nguyên tắc, mỗi loài vi khuẩn đều có sự thích nghi để đề kháng lại những loại kháng sinh tiêu diệt nó. Kể cả con người, hay bất cứ một loài động vật nào trên trái đất cũng có nguyên tắc thích nghi như vậy để tồn tại.

Nguyên nhân thứ hai là loại kháng sinh dùng càng lâu thì sẽ gây ra hiện tượng nhờn thuốc. Nguyên nhân thứ ba là do việc sử dụng kháng sinh bừa bãi và không đúng cách hoặc do dùng kháng sinh không đúng liệu trình điều trị. Nguyên nhân thứ tư là do sử dụng kháng sinh bị kém chất lượng, giảm hoạt tính. Nguyên nhân nữa là do việc ăn uống, sử dụng những loại thực phẩm không an toàn, thực phẩm lạm dụng kháng sinh trong quá trình chăn nuôi… góp phần gây nên tình trạng kháng kháng sinh.

Có cả trách nhiệm của ngành nông nghiệp?

Trước vấn nạn kháng kháng sinh ngày càng trở nên nghiêm trọng, Bộ Y tế đã đưa ra các chính sách để quản lý việc sử dụng kháng sinh sao cho đúng từ việc lựa chọn thuốc kháng sinh, liều dùng và thời gian điều trị. Tuy nhiên, để các chính sách này phát huy được hiệu quả thì các hướng dẫn phải được tổ chức thực hiện một cách đồng bộ từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương và phải có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quản lý sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Để hạn chế gia tăng đề kháng kháng sinh, Bộ Y tế khuyến cáo cách tốt nhất là sử dụng kháng sinh hợp lý. Đối với cơ sở y tế, chỉ sử dụng kháng sinh khi thật sự bị bệnh nhiễm khuẩn, không điều trị kháng sinh khi không có bệnh nhiễm khuẩn, ngay cả khi người bệnh yêu cầu.

Lựa chọn đúng kháng sinh theo vị trí nhiễm trùng, xét nghiệm vi khuẩn và chọn đường dùng thuốc thích hợp. Nắm được xu hướng đề kháng kháng sinh tại địa phương mình. Sử dụng kháng sinh đúng liều lượng, đúng khoảng cách liều và đúng thời gian quy định. Chú ý khi điều trị kháng sinh trên những đối tượng bệnh nhân đặc biệt, có bệnh mắc kèm, phụ  nữ  có thai, người già, người bị suy gan, suy thận… 

Vận dụng các nguyên tắc chủ  yếu về  phối hợp kháng sinh. Kết hợp bừa bãi hoặc kết hợp quá nhiều kháng sinh có thể gia tăng độc tính, đối kháng dược lý và gia tăng đề kháng. Sử dụng kháng sinh dự phòng theo đúng nguyên tắc. Có chiến lược quay vòng kháng sinh hợp lý.

Thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn nhằm ngăn ngừa lây truyền  vi  khuẩn  đề  kháng  giữa  người  bệnh  với  người bệnh, giữa người bệnh với nhân viên y tế  hoặc ngăn ngừa lây lan từ  môi trường trong các cơ sở chăm sóc y tế bằng rửa tay, cách ly đối với người bệnh và nhân viên y tế mang các vi khuẩn đề kháng.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo chỉ sử dụng kháng sinh khi được kê đơn. Không nên tự mua thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ. Luôn sử dụng kháng sinh đủ liều, đủ thời gian ngay cả khi sức khỏe khá hơn, không tự chia nhỏ liều dùng hoặc cắt bớt thời gian điều trị.

Đọc thêm