Nhiều nơi Trung tâm vẫn giữ vai trò nòng cốt
Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII Dự án Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS) đã được trình Quốc hội. Theo đó, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trên cơ sở kế thừa quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán ĐGTS, dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc và lộ trình về việc chuyển đổi Trung tâm Dịch vụ ĐGTS sang mô hình doanh nghiệp.
Theo đó, đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có từ 05 doanh nghiệp ĐGTS trở lên hoạt động có hiệu quả thì trong thời hạn 05 năm, kể từ ngày Luật ĐGTS có hiệu lực, thực hiện chuyển đổi Trung tâm sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc chuyển đổi nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động ĐGTS tại địa phương.
Vấn đề nói trên sau kỳ họp Quốc hội đến nay vẫn nhận được nhiều quan điểm trái chiều. Từ thực tế trong thời gian qua cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp ĐGTS đã có sự tham gia, đóng góp tích cực trong hoạt động ĐGTS nhưng tại một số địa phương, Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS vẫn giữ vai trò nòng cốt trong việc đấu giá các tài sản mà theo quy định của pháp luật phải bán thông qua đấu giá, nhất là tại 12 tỉnh hiện nay chưa có doanh nghiệp ĐGTS.
Hoạt động đấu giá của Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS, đặc biệt trong việc ĐGTS thi hành án dân sự (THADS), tài sản xử lý vi phạm hành chính bị tịch thu, tài sản nhà nước có giá trị nhỏ, đấu giá tại vùng sâu, vùng xa mà doanh nghiệp ĐGTS thường không nhận do không đảm bảo yếu tố lợi nhuận, đã góp phần tích cực trong việc đảm bảo hiệu quả thi hành các bản án của Tòa án liên quan đến THADS, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Với vai trò như vậy nên nhiều ý kiến cho rằng, chuyển đổi mô hình Trung tâm sang doanh nghiệp không thể tiến hành trong một vài năm và tiến hành đồng thời tại tất cả các tỉnh, thành phố với điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau. Nhưng làm thế nào để có thể thực hiện chuyển đổi với lộ trình phù hợp, không gây xáo trộn, làm ắch tắc hoạt động bán ĐGTS ở địa phương thì cũng là vấn đề phải được xem xét thấu đáo.
Chuyển đổi: không nên “đánh đồng”
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS Hải Dương Nguyễn Đại Dân cho rằng, việc chuyển đổi nên giao cho UBND cấp tỉnh quyết định, ít nhất trong khoảng 5 năm kể từ ngày Luật có hiệu lực phải chuyển đổi. Ông Dân cũng đồng thuận chủ trương các Trung tâm phải chuyển sang hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính vì hiện nay việc tự chủ một phần dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ nại, Nhà nước hàng năm cũng phải chi ngân sách để nuôi bộ máy trung tâm.
Tuy nhiên, khi hoạt động theo cơ chế tự chủ thì phải tạo điều kiện để các Trung tâm đó có việc để làm. “Tài sản nhà nước nên giao Trung tâm thực hiện, tránh tình trạng giao doanh nghiệp dẫn đến ăn chia, thông đồng, dìm giá làm thất thoát tài sản nhà nước.”, ông Dân đề xuất.
Là Trung tâm tự chủ một phần tài chính, theo ông Trần Văn Ân, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS Đà Nẵng thì hiện Trung tâm bán tài sản chủ yếu của ngân hàng, một phần tài sản thi hành án, một phần tài sản tịch thu do vi phạm hành chính…
Dẫu đang khó khăn vì bản thân Trung tâm phải cạnh tranh với rất nhiều doanh nghiệp bán đấu giá trên địa bàn nhưng ông Ân vẫn ủng hộ chủ trương chuyển đổi vì “đó là xu thế tất yếu”.
Theo đánh giá của ông Ân, việc giao UBND cấp tỉnh xem xét quyết định chuyển đổi là phù hợp nhưng không nên đánh đồng mà phải căn cứ vào tình hình thực tế mỗi địa phương, trong đó đề cao các Trung tâm làm hiệu quả. Đối với những nơi chưa có doanh nghiệp đấu giá, cần thiết vẫn phải duy trì các Trung tâm đấu giá.
Được biết hiện nay, để tạo điều kiện cho hoạt động của Trung tâm đấu giá và cũng tránh tình trạng gây thất thoát cho tài sản nhà nước, một số địa phương UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao tài sản nhà nước cho Trung tấm đấu giá bán, điển hình như Đắk Lắk.