Cùng với việc ra mắt Ban soạn thảo, Tổ biên tập thì các đại biểu tham dự đã cho ý kiến về định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 19.
Sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc hiện hành
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi Phạm Thị Kim Anh cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành Nghị định 19 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác triển khai Nghị định ở địa phương có sự chậm trễ, chưa đồng đều, cách hiểu và áp dụng cùng một quy định không thống nhất tại một số địa phương. Các cơ quan có thẩm quyền chưa tích cực thực hiện những nhiệm vụ được giao trong Nghị định, nhất là những nhiệm vụ như lập danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế ở các cơ sở trợ giúp xã hội (TGXH) và chỉ định các cơ sở TGXH tham gia giải quyết việc cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài.
Việc chỉ định các cơ sở TGXH tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài chỉ tập trung hướng tới các cơ sở TGXH công lập, chưa chú ý tới các cơ sở TGXH ngoài công lập và những cơ sở tôn giáo được thành lập hợp pháp, đặc biệt chưa tính tới nhu cầu cần tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Đáng lưu ý có biểu hiện lạm dụng việc giải quyết cho trẻ em khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi nước ngoài và một số cơ sở TGXH “gắn” với vấn đề hỗ trợ tài chính của cha mẹ nuôi nước ngoài khi giải quyết nuôi con nuôi…
Để tháo gỡ các vướng mắc trên, Tổ biên tập dự kiến một số vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thành 3 nhóm. Theo đó, sẽ sửa đổi những nội dung như quy định UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi có thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi với trường hợp nhận con riêng, cháu ruột; bổ sung các nguyên tắc về tiếp nhận, quản lý, sử dụng các khoản tặng cho, hỗ trợ của cha mẹ nuôi đối với cơ sở TGXH; bãi bỏ quy định bắt buộc chỉ định cơ sở TGXH cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài…
Không được “gợn” bất kỳ vấn đề nào khi giải quyết việc nuôi con nuôi
Bàn về một trong những định hướng sửa đổi, bổ sung Nghị định 19, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa chia sẻ, Bộ Lao động cũng nhận được nhiều câu hỏi về việc tiếp nhận các khoản hỗ trợ của tổ chức con nuôi quốc tế thời gian qua. Bà Hoa khẳng định, đây không phải là quy định bắt buộc theo pháp luật Việt Nam mà chỉ có khoản lệ phí nhỏ trong giải quyết nuôi con nuôi. Hay đối với lập danh sách trẻ, bà Hoa gợi ý để có thể phân biệt các loại khuyết tật thì có thể nghiên cứu thêm Thông tư 37 của Bộ Lao động: xác định trẻ mắc các bệnh hiểm nghèo thì nên chăng phối hợp với Bộ Y tế…
Phó Trưởng phòng Chính sách phí, lệ phí và thu khác (Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính) Trần Anh Tuấn đề nghị quy định cụ thể hơn nguyên tắc tiếp nhận hỗ trợ tài chính. Theo ông Tuấn, việc cho tặng, hỗ trợ tài chính là sự tự nguyện, nhưng vẫn cần quản lý ở mức độ nhất định, đòi hỏi việc điều chỉnh phải làm rõ thực trạng hiện nay và yêu cầu quản lý đối với vấn đề này.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao phản ánh thực trạng giải quyết con nuôi tại địa phương và kiến nghị phải minh bạch hóa việc sử dụng khoản hỗ trợ nhân đạo tại các cơ sở TGXH. Theo đó, giao cho ngành Lao động nhiệm vụ này, lập sổ sách nêu rõ các khoản chi để không thể vào túi cá nhân của ai đó. Còn đối với lập danh sách trẻ em, ông Cao thẳng thắn chỉ ra qua kiểm tra phát hiện hồ sơ trẻ được lập rất giống nhau, có dấu hiệu nhân bản nên ngành Tư pháp không có cách nào ngoài chuyển Công an xác minh thì tới đây cần nghiên cứu hướng xử lý.
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Tổ biên tập và bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh, việc giải quyết con nuôi là vấn đề nhân văn, không được “gợn” bất cứ điều gì về tài chính, hỗ trợ nhân đạo. Theo Thứ trưởng, việc sửa đổi lần này phải đặt mục tiêu hàng đầu là vì trẻ em, giúp trẻ có nhu cầu tìm được gia đình thay thế, từ đó các quy định phải tạo thuận lợi tối đa trong ghép trẻ, quy trình thủ tục giải quyết phải nhanh gọn.
Thứ trưởng đặc biệt đề cao tính minh bạch đối với các đối tượng chịu sự điều chỉnh trong công tác này từ cơ sở TGXH, tổ chức con nuôi nước ngoài đến cha mẹ nuôi, cơ quan quản lý nhà nước. Trước những đề xuất về hỗ trợ nhân đạo, Thứ trưởng yêu cầu nghiên cứu nguồn tiền, dòng tiền hiện được sử dụng, quản lý như thế nào để thiết kế các điều khoản bám sát mục tiêu quản lý. Đồng thời, việc lập danh sách trẻ cũng cần sửa đổi để không có dấu hiệu lạm dụng cho trẻ khuyết tật, mắc bệnh hiểm nghèo làm con nuôi nước ngoài.