Phải 'gia cố' nhiều hơn các biện pháp 'phòng' bạo lực gia đình

(PLVN) - Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nhấn mạnh yêu cầu trên khi cho ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ của QH về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) chiều nay, 31/5.
Các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật.
Các đại biểu QH thảo luận tại tổ về dự án Luật.

Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho rằng, quy định về phần “chống” bạo lực gia đình trong dự thảo Luật đã “tương đối” nhưng quy định về các biện pháp “phòng” còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung vào thông tin, tuyên truyền.

Do đó, Chủ tịch QH đề nghị dự thảo Luật phải làm rõ hơn nữa các biện pháp “phòng” bạo lực gia đình.

“Phòng” bao giờ cũng phải là cơ bản, đi trước còn “chống” là cương quyết, nhưng đến nay, đọc dự thảo Luật vẫn chưa được thoả mãn lắm với các quy định về biện pháp “phòng”, Chủ tịch QH nói và đề nghị phải “gia cố” nhiều hơn nữa các biện pháp “phòng” bạo lực gia đình trong dự thảo Luật.

Theo Chủ tịch QH, cần quy định để “không thể và không dám có hành vi bạo lực gia đình”.

“Không thể tức là hệ thống pháp luật phải chặt chẽ. Không dám là chế tài phải nghiêm. Nếu không thì ban hành Luật ra cũng khó tạo được chuyển biến căn bản trong lĩnh vực này”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Cùng với đó, Chủ tịch QH đề nghị quy định theo hướng phát huy vai trò của nhà trường và xã hội đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của từng cấp và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

“Từ thực tiễn rất sinh động của cuộc sống, ở địa phương, chúng ta phải nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện, để làm sao có các quy định pháp luật sát sạt với cuộc sống và khả thi”, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nêu rõ.

Trong khi đó, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Thái Bình) chỉ ra rằng, Tờ trình có nêu 90,4% phụ nữ bị bạo hành thể xác, hoặc tình dục nhưng không tìm kiếm sự giúp đỡ, như vậy là vụ việc không được đưa ra để xử lý.

Cho rằng đây là con số rất đáng quan ngại, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải quy định để tăng được hiệu quả xử lý các vụ việc bạo lực gia đình; có giải pháp mạnh mẽ để khắc phục tình trạng này.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng nêu rõ, Tờ trình có thống kê số vụ việc bạo lực gia đình, nhưng không thống kê số vụ giải quyết hay không giải quyết, giải quyết có hiệu quả hay không hiệu quả…. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ nội dung này.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, qua thực tiễn theo dõi, giám sát, tại địa bàn sinh sống của một số đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước.

Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với các địa phương, khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Đọc thêm