Phải ‘hâm nóng’ lại Nghị định 100

(PLVN) - Chia sẻ với người dân phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài, chia sẻ với người kinh doanh bị ảnh hưởng, bị thiệt hại bởi dịch bệnh, nhưng Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung (Long An) cho rằng "đã đến lúc chúng ta phải hâm nóng trở lại Nghị định 100".
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.
Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung.

Góp ý vào báo cáo kinh tế - xã hội trên diễn đàn Quốc hội ngày 13/6, Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chuyển đến Chính phủ sự đồng tình, ủng hộ và niềm tin của cử tri đối với sự điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đề ra, chỉ đạo và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid vừa qua. 

Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại sự ảnh hưởng nặng nề của COVID-19 đối với kinh tế - xã hội của nước ta trong những tháng đầu năm 2020, trong đó có nhiều lĩnh vực kinh doanh đầu tư gần như đóng băng, không hoạt động như là vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí. Ngay sau khi bỏ giãn cách xã hội, trạng thái bình thường mới được thiết lập thì điều bà Dung muốn đề cập là tiếp tục thực thi pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. 

Đại biểu Đoàn Long An lưu ý, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 đã song hành đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ với chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe, bước đầu thu được hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông. 

Đây cũng chính là quyết tâm, nỗ lực và sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, địa phương trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đi vào thực tiễn và có tác động sâu sắc đến ý thức của người tham gia giao thông trên cả nước, được dư luận đồng thuận và nhân dân nghiêm túc thực thi theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Mặc dù trong cuộc cách mạng để giảm thiểu tai nạn giao thông do rượu, bia, các quán ăn, nhà hàng, dịch vụ ban đầu chưa có giải pháp thích ứng cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, giảm lượng khách, giảm tiêu thụ rượu, bia, giảm doanh thu nhưng đã, đang và sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ về an toàn giao thông và trật tự an ninh xã hội.

Vậy nhưng sau những ngày cách ly xã hội, tâm lý người dân phần lớn chủ quan hơn với các quy định về an toàn giao thông, khách đến nhà hàng ăn uống tăng đột biến, khách đi đông và lượng bia bán ra nhiều hơn. 

“Chúng ta dễ dàng nhận thấy tại các quán bia vỉa hè, các nhà hàng khách vào ăn, uống rượu, bia. Sau đó, người đi ô tô thì lái ô tô, người đi xe máy thì chạy xe máy và trở lại suy nghĩ uống vài chai vẫn thừa sức tự chạy xe về được”, bà Dung phản ánh và khẳng định đây là một sự chủ quan, nguy hiểm. 

Chia sẻ với người dân phải giãn cách xã hội trong một thời gian dài, chia sẻ với người kinh doanh bị ảnh hưởng, bị thiệt hại bởi dịch bệnh nhưng Đại biểu Dung cho rằng, "đã đến lúc chúng ta phải hâm nóng trở lại, không ngăn chặn sớm thì tâm lý chủ quan, lơ là Nghị định 100 sẽ quay trở lại thành thói quen. Hiện nay, giao thông gần như trở lại bình thường nên việc hâm nóng nhắc nhau tinh thần của Nghị định 100 là cần thiết". 

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo trong cả nước về tăng cường công tác giáo dục pháp luật, tuần tra, xử lý nghiêm tình trạng uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt là tiếp tục thiết lập các chốt chặn có thể gần khu vực quán nhậu và trên các tuyến cao tốc. Công tác xử lý nồng độ cồn phải tiếp tục thực hiện ráo riết như những ngày đầu chúng ta triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100.

Đọc thêm