“Chống tham nhũng dây dưa quá”
Dự thảo báo cáo của Đoàn Chủ tịch về tình hình nhân dân và đất nước quý III/2016 do Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Bùi Thị Thanh trình bày nêu rõ, trong quý III năm nay, đại bộ phận nhân dân cả nước yên tâm, phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước.
Tuy nhiên, nhân dân vẫn còn những băn khoăn, lo lắng về nền kinh tế đất nước phát triển chưa bền vững, nợ công ở mức cao. Ngoài ra, thời gian gần đây, thông tin về việc bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo liên quan đến công tác cán bộ thiếu minh bạch; công tác luân chuyển cán bộ, đào tạo cán bộ ở một số nơi chưa dựa trên cơ sở đánh giá và quy hoạch, gây bất bình trong nhân dân…
Góp ý vào dự thảo, ông Đỗ Duy Thường - nguyên Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề bức xúc hàng đầu của nhân dân hiện nay vẫn là công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) và lãng phí, nhưng tại dự thảo Báo cáo, những thông tin này còn quá ít. Ông Thường cũng đề nghị cần sửa Luật PCTN theo hướng làm sao phải có cơ chế, chính sách mới để không thể tham nhũng, không dám tham nhũng. Tham nhũng hiện nay gắn với các nhóm lợi ích, vì vậy phải làm sao không để các nhóm lợi ích liên kết với nhau.
Cùng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯMTTQ Việt Nam thẳng thắn: “Chống tham nhũng dây dưa quá. Tổng Bí thư đã chỉ đạo 7 bộ, ngành vào cuộc nhưng tới bây giờ vụ việc Trịnh Xuân Thanh đã có báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ chưa? Thời hạn đó thực hiện thế nào? Phải nói cho được những quy trình đã làm trong thời gian vừa qua. Bây giờ nếu không nói có phải là dây dưa, trì hoãn quyết định của Tổng Bí thư không?”.
Từ những thắc mắc này, ông Kim đặt vấn đề: trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, tại sao không áp dụng biện pháp hạn chế đi khỏi nơi cư trú, để rồi ông Thanh bỏ trốn, điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy, khiến người dân không thể không đặt câu hỏi: Điều hành và giải quyết thế nào mà để sự việc như thế?
Còn ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội (UBTƯMTTQ Việt Nam) lại lo ngại khi chưa bao giờ bức tranh xã hội bộc lộ rõ nét như hiện nay, “nợ công nhiều, thu thuế không đủ, việc làm thiếu, nhiều trường đại học không tuyển được học sinh…” và ông đề nghị “Báo cáo phải nói rõ những điều đó”.
“Điểm huyệt” để giám sát
Quan tâm đến vấn đề giám sát và phản biện xã hội, ông Bùi Nguyên Súy, Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền là câu chuyện rất yếu. “Trước mỗi phiên khai mạc Quốc hội, Mặt trận thường đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhưng đọc xong rồi thì chuyển đi đâu, ai giải quyết, ai giám sát? Qua thực tế tôi thấy hầu hết các kiến nghị của cử tri mà các cơ quan nhà nước - hay nói cách khác là từ Chính phủ, các bộ, ngành, trưởng ngành đều trả lời cho xong. Ai cũng nói đã giải quyết 100% ý kiến của cử tri, nhưng theo tôi việc giải quyết phải bằng hai con đường, một là phải ban hành chính sách mới, hai là sửa đổi, thậm chí có những cái phải hủy bỏ chính sách không phù hợp”, ông Súy đề nghị.
Để việc giám sát đi vào thực chất, vị Phó Trưởng ban Ban Dân nguyện cho rằng phải có thanh tra, kiểm tra và giám sát kết luận sau trả lời. Tránh việc các cơ quan chức năng nhận được văn bản là trả lời ngay, nhưng “lại trả lời bằng cách trích dẫn những văn bản cũ, những vấn đề cử tri quan tâm lại không đi vào trọng tâm, trả lời bằng cách cho xong”- ông Súy chỉ ra thực tế.
Cho rằng chủ thể giám sát phải độc lập, phải có sự phối hợp với các tổ chức và cá nhân đại diện cho nhân dân chứ không phải phối hợp với cơ quan nhà nước, ông Vũ Trọng Kim cũng lưu ý đến đối tượng giám sát không nên rộng quá. Trên tinh thần đó, ông đề nghị Mặt trận phải chọn việc để giám sát. “Những chỗ trời yên biển lặng thì mình tới giám sát làm gì? Mình phải giám sát ở những nơi mà tổ chức, nhân dân đã có kiến nghị lâu ngày rồi nhưng không ai giải quyết cả… Hãy đến chỗ mà người dân cầu cứu, phải “điểm huyệt” để làm, có nghĩa là anh phải sờ tới, tham gia giám sát công việc của Đảng, của các ngành tư pháp. Giám sát không có trọng tâm, trọng điểm thì không giải quyết được gì cả” - ông Kim bày tỏ.