Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức để thay thế Nghị định 56/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 88/2017/NĐ-CP.
Bộ Nội vụ cho biết, Nghị định 56/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đã tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy trình, thủ tục chặt chẽ với các tiêu chí và mức đánh giá, phân loại tương đối cụ thể, chi tiết; các bước đánh giá và các cấp độ đánh giá được chia thành các mức độ khác nhau như bản thân tự đánh giá, đánh giá của tập thể nơi công tác, cơ quan, tổ chức theo dõi CBCCVC, cấp ủy nơi công tác và cư trú.
Theo Bộ Nội vụ, mặc dù có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp đánh giá theo vị trí việc làm nhưng công tác đánh giá vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ xác định công tác đánh giá CBCCVC là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thế, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến.
Ví dụ, các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng được tiêu chí đánh giá cụ thể, chưa có kế hoạch chi tiết để theo dõi tiến độ giải quyết công việc được giao CBCCVC dẫn tới những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phản ánh không đúng thực trạng mức độ hoàn thành công việc của CBCCVC.
Chưa đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác đánh giá, phân loại CBCCVC dẫn đến tình trạng công tác đánh giá, phân loại CBCCVC còn bị động, chưa căn cứ vào đặc điểm, thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và đặc thù công việc của từng ngành, nghề, lĩnh vực.
Chưa có sự liên thông trong kết quả đánh giá giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể dẫn tới việc đánh giá nhiều nơi, nhiều lúc còn hình thức, trùng lặp, tốn kém thời gian, vật chất.
Từ những vướng mắc nêu trên, việc sửa đổi quy định về công tác đánh giá CBCCVC để khắc phục những hạn chế, tồn tại, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng là cần thiết.
Dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới. Trong đó, về mức đánh giá cán bộ, công chức, thể chế hóa Quy định số 89-QĐ/TW, dự thảo Nghị định quy định 4 mức đánh giá, phân loại cán bộ, công chức trong đó có mức Hoàn thành nhiệm vụ thay cho mức Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực (đã đảm bảo thống nhất giữa quy định của Đảng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức).
Về tiêu chí đánh giá, để đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý CBCCVC lãnh đạo, quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW đã quy định cụ thể các tiêu chí về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống.
Về tiêu chí kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Quy định 89-QĐ/TW đã bổ sung một số nội dung như xây dựng và thực hiện chương trình hành động, thực hiện công tác cải cách hành chính, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc và CBCCVC thuộc quyền quản lý… Trên cơ sở đó, dự thảo đã quy định cụ thể các tiêu chí liên quan đến đánh giá, phân loại đối với CBCCVC.
Về phương pháp đánh giá, quán triệt nội dung khi đánh giá, phân loại CBCCVC lãnh đạo, quản lý phải có ý kiến của cấp ủy nơi cư trú được nêu trong Quy định 89-QĐ/TW, khoản 2, Điều 7 dự thảo Nghị định đã bổ sung quy định lấy ý kiến nhận xét của cấp ủy nơi cư trú theo quy định hiện hành của Đảng đối với CBCCVC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Về việc liên thông trong đánh giá CBCCVC, dự thảo Nghị định bổ sung nguyên tắc “Kết quả đánh giá, phân loại CBCCVC theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn”.
Trên cơ sở đó, dự thảo Nghị định quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phối hợp với cấp ủy, công đoàn cùng cấp thống nhất việc liên thông sử dụng kết quả đánh giá CBCCVC trong đánh giá đảng viên, đoàn viên công đoàn.