Nếu triển khai có hiệu quả, Đề án VTVL sẽ đảm bảo “một người có thể làm được nhiều việc” và “một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị phụ trách” chứ không để như trước đây là một việc có nhiều cơ quan, nhiều đơn vị tham gia và không có sự phân công cụ thể xem ai, cơ quan nào là người chủ trì để giải quyết, dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm.
Chuyển từ công vụ chức nghiệp sang công vụ việc làm
Xây dựng VTVL được xem là giải pháp căn bản để thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản được biên chế, cải cách tiền lương… Với tầm quan trọng như vậy, đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai xây dựng và thực hiện Đề án VTVL và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Theo ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng, Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức ra đời đã tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý công chức, viên chức (CCVC) theo VTVL phù hợp với xu thế dịch chuyển nền công vụ chức nghiệp sang nền công vụ việc làm hiện nay. Việc xây dựng và áp dụng mô hình VTVL thay mô hình chức nghiệp giúp lãnh đạo cơ quan, đơn vị đánh giá được mức độ quan trọng của từng công việc, tránh sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, làm cơ sở cho công tác tuyển dụng, khắc phục tình trạng vừa thừa vừa thiếu nhân lực. Đây còn là căn cứ để thực hiện việc đánh giá CCVC một cách chính xác, khách quan, làm cơ sở để quy hoạch đào tạo bồi dưỡng trả lương thưởng...
Chính vì vậy, theo ông Đồng, vấn đề xây dựng VTVL và quản lý công chức theo VTVL đã và đang được các ngành, các cấp rất quan tâm, xem đây là giải pháp góp phần đổi mới phương thức quản lý CCVC trong nền hành chính công hiện nay. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện xây dựng đề án VTVL là tiền đề quan trọng để Chính phủ triển khai một số đề án cải cách tiền lương, tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ CCVC…
“Nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng đề án trong công tác tổ chức biên chế và quản lý CCVC nên khi có văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nội vụ, TP Đà Nẵng đã tập trung bắt tay ngay vào việc triển khai thực hiện. Đến nay, Chủ tịch UBND TP đã phê duyệt đề án VTVL 100% cơ quan hành chính của thành phố (các sở, ban, ngành) và quận, huyện; 95% đề án VTVL của các cơ sở đơn vị sự nghiệp công lập”- Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng thông tin.
Bộ Tư pháp cũng là một đơn vị được đánh giá cao về việc triển khai xây dựng và thí điểm thực hiện Đề án VTVL. Theo Bộ Tư pháp, xây dựng và thực hiện Đề án này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định số lượng VTVL và số người làm việc tương ứng.
Đề án còn giúp thủ trưởng cơ quan, đơn vị rà soát, đánh giá lại tình hình sử dụng, sắp xếp nhân sự trong cơ quan, đơn vị; có cái nhìn toàn diện về số lượng VTVL dự kiến và số lượng VTVL hiện tại cũng như xây dựng kế hoạch sử dụng cán bộ CCVC đảm bảo hiệu quả tiết kiệm. Căn cứ vào quyết định của Bộ Nội vụ phê duyệt danh mục VTVL trong các cơ quan, tổ chức hành chính của Bộ Tư pháp, Bộ đã phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực VTVL của 21/22 đơn vị hành chính thuộc Bộ…
Theo đánh giá chung của Bộ Tư pháp, việc xây dựng về việc và triển khai thực hiện Đề án VTVL trong các đơn vị thuộc Bộ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo tính khoa học, nghiêm túc và chất lượng.
Giải pháp đổi mới phương thức quản lý công chức, viên chức
Trao đổi với PLVN, ông Phạm Văn Hòa - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, Đề án VTVL có một ý nghĩa hết sức quan trọng, đó là sắp xếp, bố trí con người đúng chức năng, đúng nhiệm vụ và đúng chuyên môn nghiệp vụ vào các VTVL.
“Tôi nghĩ đây là một vấn đề mới và hay, thể hiện sự công tâm, khách quan và giúp tìm được người tài, có đức, có tâm để thực hiện nhiệm vụ. Việc này cũng theo đúng chủ trương “một người có thể làm được nhiều việc và một việc chỉ có một cơ quan, đơn vị phụ trách” chứ không để như trước đây là một việc có nhiều cơ quan, nhiều đơn vị và thậm chí là nhiều người tham gia nhưng không có phân công cụ thể là ai, cơ quan nào sẽ là người chủ trì để giải quyết việc đó, dẫn tới đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khiến việc làm cũng như nhiệm vụ bị trì trệ”, ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, việc bố trí VTVL tới đây sẽ phù hợp và thực tiễn hơn, giảm bớt được những gánh nặng của Nhà nước về bộ máy cũng như vấn đề biên chế. Suy nghĩ “biên chế suốt đời” hiện đang ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Họ có suy nghĩ rằng khi vào Nhà nước, vào cơ quan phải có biên chế và biên chế suốt đời. Điều này dẫn đến việc một người “cứ làm hoài, làm mãi” dù làm chưa được tốt phần công việc được phân công. Trong khi đó, ở phần nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm thì cán bộ đó vẫn hoàn thành được nhiệm vụ.
“Hoàn thành được nhiệm vụ thì đâu có tinh giản biên chế được! Chỉ những đối tượng không hoàn thành nhiệm vụ 2 năm liền thì mới giảm biên chế được. Cho nên, việc muốn cho ông A, bà B nghỉ việc là rất khó. Dù những con người đó chất lượng hoạt động không cao nhưng không cho nghỉ được. Tuyển người khác, người trẻ có năng lực, có học hành, có kiến thức rộng rãi hơn, tinh thần trách nhiệm cao hơn vào VTVL đó cũng không được vì đã có ông A, bà B “ngồi” chỗ đó rồi”- ông Hòa phân tích.
Trong bối cảnh như vậy, ông Hòa cho rằng: “Việc triển khai VTVL sẽ có hướng để bỏ được biên chế. Trong việc làm của anh, nếu anh làm được việc thì anh cứ tiếp tục, còn nếu không được việc thì cũng có thể cơ quan ký hợp đồng lao động với anh có quyền cắt việc anh. Tất nhiên giữa người lao động và người ký hợp đồng lao động phải có sự thỏa thuận thống nhất với nhau theo quy định của luật… Việc này cũng sẽ khách quan và phù hợp với tình hình thực tiễn, đa số cán bộ sẽ ủng hộ đồng tình”.
Đối với việc xóa bỏ “biên chế suốt đời”, ĐB Hòa cho rằng: “Việc này phải có lộ trình để tổ chức, sắp xếp, nhưng theo ông về lâu dài sẽ thực hiện được. Hiện nay, những biên chế lớn tuổi sẽ nghỉ hưu hoặc chúng ta sắp xếp lại tinh giản bộ máy ít đi, thấp đi. Bên cạnh đó, những con người mới thì chúng ta sẽ thực hiện hợp đồng lao động theo VTVL, theo khả năng, theo trình độ chuyên môn của mỗi lao động”.
Nắm được bức tranh tổng thể về nhu cầu bố trí lực lượng
Tại Tổng cục Hải quan, theo báo cáo, năm 2015, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai trong toàn ngành quy trình xác định biên chế theo VTVL đảm bảo tính định lượng thực tiễn và khoa học trên cơ sở kết quả đề tài khoa học về phương pháp xác định yêu cầu bên chế của từng VTVL theo thời gian hao phí của sản phẩm. Việc triển khai quy trình biên chế này đã đạt được một số kết quả quan trọng. Có thể kể đến là việc lần đầu tiên phương pháp xác định biên chế đã được áp dụng trong một cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo được cả hai tiêu chí về tính thực tiễn và tính khoa học.
Kết quả thực hiện quy trình này giúp thủ trưởng các đơn vị, cơ quan tổ chức cán bộ nắm được một bức tranh tổng thể về nhu cầu bố trí lực lượng hải quan theo từng VTVL chuyên môn, nghiệp vụ tại từng đơn vị. Việc triển khai quy trình này cũng giúp phát hiện sự chồng chéo, vướng mắc trong việc bố trí lực lượng công tác chuyên môn, nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực công tác khác nhau hoặc cùng một lĩnh vực công tác.
Đồng thời, quy trình này cũng giúp cho lãnh đạo và cán bộ công chức của từng đơn vị nắm được đơn vị mình có những loại sản phẩm nào, khối lượng công việc của sản phẩm định mức cơ bản tạo ra sản phẩm… từ đó góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý điều hành và thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ của đơn vị.
Bên cạnh đó, qua quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo và các công chức các đơn vị đã nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng biên chế một cách có hiệu quả; ý thức được trách nhiệm trong việc phải thống kê, theo dõi kết quả thực hiện công việc và tìm các biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện công việc của công chức.
Việc triển khai quy trình nói trên cũng tạo nền tảng xây dựng hệ thống quản lý, sử dụng biên chế hiệu quả; kịp thời chuẩn bị các cơ sở dữ liệu phục vụ các yêu cầu xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tinh giản biên chế của Tổng cục Hải quan theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị và các bản văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác này cho giai đoạn 2016-2021.