Nông dân “chê” ruộng vì “làm không đủ ăn”
Khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) năm 2013 cho thấy, năm 2012-2013 cả nước có 42.785 hộ thuộc 25 tỉnh, thành trên cả nước bỏ 6.882ha không canh tác, trong đó 3.407 hộ trả ruộng. Tính trong 10 năm (2004-2014), diện tích lúa mùa cả nước giảm 3,64% (tương ứng 74.100ha), riêng ở “vựa lúa” Thái Bình giảm 3.100ha. Và dù có nhiều chính sách, quy hoạch nhưng đến năm 2015, quy mô bỏ ruộng vẫn ngày một tăng, kể cả ở các TP lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM.
Nguyên nhân chính là do nông dân có xu hướng ly nông ngay cả khi sống cùng đồng ruộng dưới các hình thức bỏ vụ, bỏ ruộng hoang, thậm chí trả ruộng (trả quyền sử dụng đất). Theo TS Phạm Duy Nghĩa, đó là biểu hiện của nguy cơ nông dân chán ruộng, chán thôn quê và dần mất ruộng. Sâu xa hơn, TS Phạm Sỹ Liêm, Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhìn nhận, nguyên nhân nông dân bỏ ruộng chính là từ hiệu quả canh tác kém và tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa, phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cơ cấu sản xuất.
Ước tính từ năm 2010 đến nay, khoảng 500.000ha đất trồng lúa 2 vụ và độ phì nhiêu cao, dễ đi lại và gần những nơi tập trung đông dân cư đã bị giảm. Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong năm 2000-2007, đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp trung bình hàng năm là 1% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, nông dân phải bỏ ra rất nhiều loại chi phí cho quá trình sản xuất nhưng thu nhập thực tế rất thấp. Nghiên cứu tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long của TS Phạm Bảo Dương (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) từ năm 2009 đã chỉ ra mức thu nhập từ lúa rất thấp, đa số các hộ nghèo ở vùng sản xuất độc canh cây lúa, thu nhập của nông dân phụ thuộc chính vào lúa không đảm bảo được cuộc sống nên phải bỏ ruộng.
Thực trạng này đến nay vẫn không có nhiều chuyển biến, nhất là khi câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ trưởng Công Thương mỗi kỳ họp của Quốc hội. Bên cạnh đó là những khoản thu theo luật và “ngoài luật” như xảy ra ở Hà Tĩnh vừa qua khiến người nông dân không đủ sức “bám ruộng” trước nhu cầu mưu sinh…
Cần “bà đỡ” Nhà nước
Hậu quả của tình trạng nông dân bỏ ruộng dưới cái nhìn của chuyên gia thì không chỉ ảnh hưởng đến sự ổn định trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống xã hội mà còn khiến đất đai màu mỡ bị hoang hóa trong khi nhu cầu lương thực vẫn có xu hướng tăng nhanh trước sức ép của sự gia tăng dân số.
Ông Vũ Năng Dũng, Hội Khoa học Đất Việt Nam cho biết, mục tiêu chiến lược trong sử dụng đất ở nước ta trong tương lai là “đã và đang ngăn chặn việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đặc biệt là đất trồng lúa”.
Vì vậy, trước tình trạng “nông dân bỏ ruộng”, Bộ NN&PTNT đã phải có Công văn 2491 gửi các Sở NN&PTNT nêu rõ: “Trong thời gian gần đây, nông dân nhiều nơi đã bỏ ruộng và trả ruộng, ngay cả ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Vấn đề trên đã tác động không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và tâm lý người dân ở khu vực nông thôn, gây lãng phí trong việc sử dụng quỹ đất nông nghiệp. Đây là vấn đề cần khẩn trương xem xét, nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ các chính sách và giải pháp khắc phục trong dịp sơ kết Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về tam nông”.
Để giữ người nông dân lại với đồng ruộng, nhất là ở những vùng chuyên canh lúa như Thái Bình, “chính sách hỗ trợ của Nhà nước hỗ trợ bù đắp thu nhập cho các hộ sản xuất lúa trong các vùng quy hoạch trồng lúa chuyên canh sẽ đóng một vai trò quan trọng” - TS Phạm Bảo Dương nhận định. Trong đó, quản lý thị trường vật tư nông nghiệp để giảm thiểu chi phí đầu vào cho người sản xuất lúa; có chính sách đảm bảo “đầu ra” ổn định cho cây lúa để người nông dân yên tâm với đồng ruộng.