Phải phục hồi niềm tin của thị trường

Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, hôm qua khai mạc Tại TP.Huế (Thừa Thiên Huế) với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược”.

Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, hôm qua khai mạc Tại TP.Huế (Thừa Thiên Huế) với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nỗ lực thực hiện 3 đột phá chiến lược”.

Quang cảnh của Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013
Quang cảnh của Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên cho biết, 5 năm qua kể từ năm 2008, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, để lại hậu quả nặng nề, dư chấn vẫn còn song nhìn chung, kinh tế thế giới đã từng bước vào quỹ đạo phục hồi nhưng Việt Nam không nằm trong quỹ đạo đó, hiện nay nền kinh tế vẫn đang trong lộ trình “xuống đáy” mặc dù xu hướng ổn định hóa đã mở ra, đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Từ năm 2005-2007, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cao vượt trội nhưng từ năm 2008, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giảm dần, trong khi các nước trong khu vực vượt lên.

Tuy nhiên, theo ông Thiên, năm 2013 xu hướng ổn định, tái lập với mức độ tin cậy cao hơn (chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng WEF tăng 5 bậc), bắt đầu “đảo chiều”.  Theo Viện trưởng Thiên, đó là xu hướng tái lập ổn định vĩ mô trên một nền tảng rất yếu, nghĩa là mức độ rủi ro vẫn rất lớn. Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa có hành động chiến lược, đầu tư chưa đụng đến cốt lõi cơ chế vận hành ngân sách nhà nước (ngân sách “mềm”, phân cấp…). Đối với hệ thống ngân hàng vẫn còn tình trạng nợ xấu và sở hữu chéo… ; bộ máy biên chế thừa và hệ thống lương thiếu…

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, cần ưu tiên cải cách đổi mới, tập trung đột phá tái cơ cấu kiểu khác (ít mục tiêu, tạo lòng tin) ; ưu tiên trực tiếp, xử lý nợ xấu; đột phá hệ thống giá: giá than - điện; cải cách lương trong khu vực nhà nước. Đặc biệt, tái cơ cấu đầu tư công: tập trung sửa Luật Ngân sách, chuyển sang hệ thống ngân sách “cứng”, ưu tiên áp dụng Luật Ngân sách hàng năm...

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, từ sự đánh giá tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2013 cho thấy, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, những khó khăn đặt ra trong năm 2013 vẫn tiếp tục kéo dài trong năm 2014. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm; khu vực kinh tế trong nước vẫn còn tiếp tục khó khăn; khu vực FDI giữ được lợi thế tăng trưởng nhưng không có sự đột biến trong năm 2014; nông nghiệp đã đạt đến đỉnh tăng trưởng do chưa thay đổi vể cơ cấu, nên khó có khả năng tăng trưởng cao hơn năm 2013; khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế.

Tuy nhiên, bức tranh chung của nền kinh tế năm 2014 vẫn sáng hơn 2 năm 2012-2013. Do đó, có thể dự báo trong năm 2014 tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và CPI tăng khoảng 7%. Nhiệm vụ chính trong năm 2014-2015 vẫn là giữ ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Còn một số đại biểu cho rằng, nhiệm vụ của năm 2014 và 2015 là phải phục hồi niềm tin của thị trường thông qua các chính sách kinh tế trung- dài hạn và kết quả của quá trình tái cơ cấu 3 lãnh vực ưu tiên, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá XI), trong đó tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và khu vực doanh nghiệp nhà nước là quan trọng nhất để vừa bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tạo niềm tin cho thị trường.

Hôm nay (27/9), Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2013 tiếp tục làm việc với sự chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Quang Tám

Đọc thêm