Theo đó, Ủy ban KHCNMT đề nghị “làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc loại bỏ các dự án TĐ khỏi quy hoạch gây tốn kém, lãng phí nguồn lực; không thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình TĐ gây sự cố, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân”.
Không ít dự án TĐ thiếu khả thi
Kết quả rà soát quy hoạch theo Báo cáo của Chính phủ cho biết đã loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ; đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW)
Ủy ban KHCNMT thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng TĐ không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, từ kết quả rà soát, nhiều ý kiến cho rằng trước sức ép thu hút đầu tư đáp ứng yêu cầu về năng lượng cho phát triển tương đối nóng trong thời gian vừa qua, chất lượng quy hoạch TĐ, đặc biệt là TĐ nhỏ còn hạn chế; không ít dự án bị loại bỏ, thiếu khả thi, phải điều chỉnh sơ đồ khai thác và quy mô trong quá trình đầu tư; số lượng dự án TĐ nhỏ là khá lớn nhưng đóng góp không nhiều về công suất phát điện.
Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch TĐ chưa quy định rõ ràng.
Đời sống của người dân tái định cư còn nhiều khó khăn
Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các dự án TĐ luôn được Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng bào các dân tộc tại địa phương có dự án TĐ đã khắc phục khó khăn, thực hiện di dân, tái định cư để xây dựng các công trình TĐ.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những bất cập: Công tác lập, thẩm định, phê duyệt phương án và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại một số dự án chưa thực hiện đầy đủ theo đúng quy định hoặc chưa thực sự hợp lý.
Vì vậy, một số hộ dân không chịu nhận đất sản xuất, không nhận nhà ở hoặc chuyển đi nơi khác; công tác thu hồi, quản lý đất tại một số dự án chưa được chủ đầu tư và địa phương phối hợp chặt chẽ, quan tâm thực hiện nên đã bị người dân sở tại xâm canh, làm ảnh hưởng đến việc bố trí đất sản xuất cho các hộ tái định cư (tại các Dự án TĐ An Khê - Ka Nắk và Đồng Nai 3); trên cùng một tỉnh có nhiều dự án cùng triển khai nhưng áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau (theo quy định của Nhà nước hoặc chủ đầu tư tự thỏa thuận với người dân ở mức cao hơn so với quy định của Nhà nước) đã gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, làm tăng chi phí, chậm tiến độ, giảm hiệu quả, phát sinh thắc mắc, khiếu nại của người dân; việc đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân tái định cư cũng còn bất cập...
Nhìn chung, theo Chính phủ: “Đời sống của nhân dân tái định cư tại các dự án TĐ còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo còn nhiều, thu nhập và mức sống của nhân dân thấp so với bình quân chung của toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người của các hộ dân tái định cư thuộc các dự án TĐ Hòa Bình, Sơn La, Nậm Chiến, Huội Quảng, Bản Chát, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Khe Bố, Quảng Trị, A Vương và Sông Tranh 2 đạt 6,6 triệu đồng/người/hộ/năm. Theo báo cáo của UBND các tỉnh có dự án nêu trên, số hộ tái định cư thuộc diện nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ tương đối cao”.
Để việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác công trình thủy điện thực hiện đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, Ủy ban KHCNMT đề nghị Chính phủ nhiều nội dung, trong đó chỉ đạo rà soát, hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình TĐ; quản lý an toàn đập, hồ chứa, đặc biệt là bổ sung quy định xử phạt vi phạm về an toàn đập, hồ chứa; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý an toàn, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đập; cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, sau tái định cư công trình TĐ.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận ở Tổ về quy hoạch tổng thể về TĐ vào ngày 1/11 tới.
Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Ủy ban KH CN MT đề nghị Quốc hội ban hành “Nghị quyết về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh” với một số nội dung chủ yếu, trong đó có điều chỉnh một số thông số cơ bản của Dự án như sau:
a) Hoàn thành nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) vào năm 2016; thông toàn tuyến từ Pắc Bó (Cao Bằng) – Đất Mũi (Cà Mau) với tổng chiều dài 3.183km (tuyến chính dài 2.499km và nhánh Tây là 684km) với quy mô 2 làn xe vào năm 2020. Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 6 làn xe.
b) Việc nâng cấp các đoạn, tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc thực hiện sau năm 2020 và phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam.
c) Nguồn vốn đầu tư để thông toàn tuyến:
- Bố trí từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 24.000 tỷ đồng (giai đoạn từ 2014 - 2016 khoảng 10.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016 -2020 khoảng 14.000 tỷ đồng); (đề nghị Quốc hội xem xét đối với kiến nghị bổ sung vốn để hoàn thành đoạn Năm Căn – Đất Mũi trong năm 2016).
- Huy động theo hình thức BT, BOT và nguồn vốn vay ODA cho các đoạn, tuyến còn lại từ các nguồn vốn hợp pháp khác.