Thân nhân thuyền viên chết trên biển muốn được khai quật tử thi?

(PLO) - Tử vong sau một “tại nạn nghề nghiệp” song người nhà thuyền viên cho rằng vẫn còn nhiều khuất tất chưa được làm sáng tỏ nên muốn được khai quật tử thi.
Thân nhân thuyền viên chết trên biển muốn được khai quật tử thi?
Người thợ máy té ngã trên tàu vì thời tiết xấu?
Bà Trần Thị Phúc Hân (SN 1968, vợ nạn nhân Trung), gọi đến Đường dây nóng 0989955952 của Xa lộ Pháp luật  đề nghị phóng viên vào cuộc. Theo đó, ngày 2/1/2013 ông Trung đi biển trên tàu đánh cá mang biển số KH – 96057 – TS của chủ tàu Nguyễn Văn Tính. Tàu cá khởi hành đến ngày 11/1/2013 thì chủ tàu thông báo cho gia đình biết ông Trung bị bệnh và bị té chết trên tàu.
Sau cái chết của nạn nhân, tàu của ông Tính quay vào nhưng không cập cảng mà neo đậu ngoài khơi. Trong khoảng thời gian này, chủ tàu đã soạn sẵn đơn yêu cầu không mổ tử thi, đồng thời thương lượng với gia đình nạn nhân sẽ lo chi phí an táng và một khoản tiền cấp dưỡng nuôi con nhỏ của ông Trung, đổi lại chủ tàu yêu cầu vợ ông Trung kí vào đơn “để cho tàu cập cảng”.
“Linh cảm sự việc có gì đó không minh bạch nên tôi không kí đơn”, bà Hân cho biết.
Cho đến ngày 14/1/2013 thì tàu cập cảng Đá Bạc (Cam Ranh). “Lúc nhận xác chồng, tôi phát hiện toàn thân bầm tím, nhất là vùng đầu và vùng sau gáy, môi và trán có những vết loét, mắt phải tụ máu”, vợ nạn nhân đau xót cho hay.
Sau đó, Công an Cam Ranh đã tổ chức khám nghiệm tử thi và điều tra vụ việc. Hơn 10 ngày sau, gia đình nạn nhân đến Công an Cam Ranh thì nhận được kết luận giám định tử thi cho thấy, nạn nhân tử vong do chấn thương sọ não.
“Nhận thấy kết luận trên không tương đồng với những thương tích để lại trên khắp thi thể, gia đình tôi nhiều lần làm đơn gửi đến Công an Cam Ranh, Công an tỉnh Khánh Hòa để điều tra lại cái chết của chồng tôi”, bà Hân cho biết.
Đến tháng 6/2013, bà Hân nhận được thông báo của cơ quan Công an Cam Ranh với nội dung cái chết của nạn nhân Trung là do tự té ngã, bị chấn thương sọ não. Đánh giá vụ việc không có dấu hiệu hình sự, nên cơ quan công an không khởi tố vụ án.
Không đồng tình với quyết định trên, bà Hân tiếp tục viết đơn khiếu nại. Trong biên bản khám nghiệm tử thi cũng không ghi rõ trên thi thể có bao nhiêu thương tích, thương tích nào dẫn đến chấn thương sọ não”. Bà Hân cũng cho biết thời điểm lên tàu để khởi hành, chồng bà vẫn rất khoẻ mạnh, không ốm đau bệnh tật gì.
“Hơn nữa, là dân đi biển lâu năm, sống bằng nghề này, đâu dễ để thuyền tròng trành mà lại té ngã bầm tím khắp người như vậy?”, bà đặt nghi vấn.
Gia đình nạn nhân sẵn sàng khai quật tử thi để làm sáng tỏ vụ việc
Theo nghi vấn của bà Hân, người chồng không chết vì bệnh hay té ngã mà bị hãm hại. Người vợ này cho biết, chồng mình có thân quen với chủ tàu, nên được mời lên tàu để phục vụ sửa chữa máy móc mỗi khi hư hỏng, đồng thời làm thuyền viên phụ lái cho thuyền trưởng.
Mỗi chuyến đi ông Trung được chủ tàu trả khoảng 5 – 6 triệu đồng. Nhưng từ chuyến đi gần đây nhất thì một xích mích nhỏ xảy ra giữa nạn nhân và một thuyền viên khác. Theo lời bà Hân, sau chuyến đi biển này ông Trung về nhà tuyên bố không bao giờ đi biển nữa.
Người nhà gặng hỏi, nạn nhân cho biết vì ông cãi lộn với con của thuyền trưởng. “Vì trong chuyến đi người này không biết sửa chữa máy móc, nhưng lại được trả tiền công cao. Trong khi đó, chồng tôi đảm đương hết mọi công việc chỉ nhận được hơn 1 triệu đồng”, bà Hân thuật lại.
Bất bình vì tiền trả không công bằng,  phần vì lo lắng “thân cô thế cô” trên tàu sẽ có sự cố không hay xảy ra đối với bản thân, nên ông Trung không nhận lời theo tàu nữa. Nhưng rồi vì cả nể, ông Trung lại tiếp tục nhận lời làm việc, để rồi dẫn đến cái chết thương tâm.
Bà Hân dẫn lời những người đi cùng chuyến tàu ngày hôm đó rằng, khi phát hiện ông Trung bị “té ngã” chỉ có hai người có mặt. Một trong hai người chính là con trai của thuyền trưởng (người từng có hiềm khích với nạn nhân - PV).
“Đều là những “chiến hữu” cùng đi trên một chuyến tàu, thái độ thờ ơ của hai người này đối với chồng tôi, quả là điều kì quặc”, vợ nạn nhân hồ nghi.  
Theo những người trên tàu, sau khi “té ngã nhiều lần”, nạn nhân được những người khác đưa vào ca bin chăm sóc. Đến 12h30’ ngày 10/1/2013 thì ông Trung tử vong.
 Nhắc về cái chết của người chồng, vợ nạn nhân khóc nghẹn trong đau đớn: “Chồng tôi gặp nạn nhưng chủ tàu không đưa ngay vào bờ để cứu chữa, cũng không báo cho gia đình mà một ngày sau mới báo tin. Cho đến trưa ngày 14/1/2013, sau khi có nhiều lần thương lượng với gia đình, họ mới đưa xác ông ấy cập cảng Ba Ngòi. Có nghĩa sau khi ông ấy chết, xác ông ấy đã bị ướp đá giữ lạnh bốn ngày mới được đưa về đất liền....”.
Theo văn bản gần đây nhất, ngày 15/7/ 2013 của Công an Cam Ranh, trả lời về cái chết của ông Trung, cơ quan này vẫn khẳng định: “Ông Lưu Đồng Trung tử vong là do sức khỏe yếu, điều kiện thời tiết có bão nên tàu lắc lư, mất thăng bằng đã té ngã nhiều lần, va chạm vào các kết cấu như sàn tàu, bè tàu, thành chắn bảo vệ bên mạn tàu gây chấn thương sọ não và các thương tích khác bên ngoài dẫn đến tử vong. Vụ việc không có dấu hiệu tội phạm”.

Người phụ nữ nén nỗi đau thương, dồn hết can đảm: “Gia đình sẵn sàng phối hợp với cơ quan chức năng khai quật tử thi để tìm ra sự thật. Có như vậy gia đình chúng tôi mới được thanh thản, chồng tôi nằm xuống cũng yên lòng”.

Nạn nhân xấu số đã nằm im dưới lòng đất trong sự thương tiếc vô hạn của người thân, nhưng cho đến tận bây giờ, gia đình ông Trung vẫn còn nhiều hồ nghi về “tai nạn” xảy ra với chồng mình.
Mỗi lá đơn gửi đi, người vợ đều trình bày nguyện vọng cơ quan cảnh sát điều tra cho thực nghiệm điều tra, dựng lại tình huống gây tai nạn cho chồng mình, nhưng đáp lại vẫn là sự im lặng của cơ quan chức năng.

Đọc thêm