Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chiều qua (20/8) và sáng nay đã thăm và ấn tượng về các mô hình sản xuất nông nghiệp và nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Tây Ninh có gần 65% đất nông nghiệp chất lượng tốt có thể canh tác, cho thấy điều kiện tự nhiên thuận lợi của Tây Ninh trong phát triển nông nghiệp.
Với việc Tây Ninh nằm giữa TP. Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam và Thủ đô Phnompenh của Campuchia, Thủ tướng cho rằng, đây vừa là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng là thách thức với Tây Ninh. Nếu không có giải pháp tạo sự phát triển bứt phá, tỉnh sẽ tụt hậu.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2018, GRDP của tỉnh đạt 7,7% (cả nước 7,08%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 2.400 USD/người/năm. Với trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đã phát huy tốt thế mạnh nông nghiệp và làm giàu bằng nông nghiệp. Tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của cả nước như cao su (diện tích trên 98 nghìn ha, sản lượng gần 200 nghìn tấn mủ), mía (diện tích trên 14 nghìn ha, sản xuất trên 140 nghìn tấn đường), sắn (sản xuất trên 850 nghìn tấn bột).
Biểu dương kết quả mà Tây Ninh đạt được thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh có nhiều mô hình với cách làm tốt; cơ giới hóa, tự động hóa, công nghiệp 4.0 đã vào sản xuất nông nghiệp mang lại giá trị gia tăng cao. Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến cũng như các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác để phấn đấu đến năm 2020, tỉnh tự cân đối được ngân sách. “Tỉnh Tây Ninh phải trở thành một trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước; một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý Đảng bộ, chính quyền tỉnh về một số vấn đề đặt ra như tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại có thể thâm nhập vào nước ta qua địa bàn Tây Ninh, nhất là qua các cửa khẩu. Tỉnh cũng cần lưu ý phát triển đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái, nhất là bảo vệ môi trường rừng; thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến mạnh mẽ hơn thay vì chỉ có một số nhà máy hiện nay.
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan đề xuất, xử lý các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Ninh, trong đó có những chính sách cụ thể mà tỉnh kiến nghị, đặc biệt là chính sách cho khu vực biên giới, cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới.
Với kiến nghị của Tây Ninh về dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tây Ninh thúc đẩy mạnh mẽ dự án này. “Thủ tướng kết luận là trong tháng 9, Bộ Giao thông vận tải phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiền khả thi tuyến đường này, từ đó Thủ tướng có chủ trương cụ thể về giải phóng mặt bằng của tuyến đường để tiếp tục triển khai sớm tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài từ những nguồn lực khác nhau để tiến hành khởi công sớm nhất” - Thủ tướng nói.
Đối với kiến nghị về tuyến Gò Dầu - TP. Tây Ninh - Xa Mát, Thủ tướng đồng ý giao Tây Ninh làm chủ đầu tư và đề xuất cơ chế phù hợp để triển khai kịp thời hơn. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp, giúp Tây Ninh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới; các chính sách về thuế, điện sinh khối mà doanh nghiệp nêu ra.
Cũng trong chuyến công tác tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, động viên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điển, nguyên cán bộ Cục An ninh Tây Ninh.../.