"Phải tăng tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội"

 Luôn canh cánh với sự nghiệp phát triển cho phụ nữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã chia sẻ với Pháp luật Việt Nam về những công việc cần làm để đạt được mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, trao quyền và bảo đảm bình đẳng giới (BĐG) cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, cũng như những việc thể hiện vai trò của phụ nữ trong cuộc bầu cử sắp tới.

Luôn canh cánh với sự nghiệp phát triển cho phụ nữ, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa (ảnh) đã chia sẻ với Pháp luật Việt Nam về những công việc cần làm để đạt được mục tiêu thúc đẩy sự phát triển, trao quyền và bảo đảm bình đẳng giới (BĐG) cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, cũng như những việc thể hiện vai trò của phụ nữ trong cuộc bầu cử sắp tới.

Cần nhận thức cao hơn về vai trò của phụ nữ

Bà có thể cho biết một cách khái quát về sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong thời kỳ đổi mới, phụ nữ Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Chiếm hơn 50% dân số và trên 47% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế cao (83%), gần tương đương với nam giới (85%). Tỷ lệ nữ cán bộ, công chức chiếm 30%, viên chức 61%. Lực lượng lao động nữ có mặt ở hầu hết các ngành, nghề, lĩnh vực. Ngày càng có nhiều lao động nữ trong các ngành và lĩnh vực kinh tế có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao...

Trong Chính trị, tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội (ĐB QH) hiện chiếm trên 25%, dẫn đầu trong 8 nước ASEAN có Nghị viện. Nữ ĐB Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp đều tăng. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp xã, huyện tăng so với các nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng tăng hàng năm và đến nay chiếm gần 30%.

Đội ngũ nữ cán bộ, công chức có đóng góp tích cực vào hoạch định chính sách và công cuộc cải cách thủ tục hành chính. Phụ nữ trong lực lượng vũ trang và lĩnh vực đối ngoại đã phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, nâng cao thế và lực của đất nước, mở rộng hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế là phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi như cơ hội việc làm, thu nhập thực tế rất hạn chế do ít được đào tạo, có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học cao, cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế; chuyên viên cao cấp, nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn ít...

Vậy, Hội có những biện pháp gì để nâng cao nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ, về BĐG?

Thời gian tới, Hội có nhiều việc phải làm, đầu tiên là thực hiện khảo sát về nguồn nhân lực nữ để đưa được vấn đề nguồn nhân lực nữ vào Đề án phát triển nguồn nhân lực quốc gia. Đây cũng là một vấn đề rất lớn, liên quan đến hiệu quả về phát triển cho phụ nữ. Hiện rất thiếu nguồn cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn để giới thiệu tham gia lãnh đạo, quản lý nói chung, cũng như là tham gia các cơ quan dân cử trong cuộc bầu cử này. Nhưng đến nay, do các số liệu về nhân lực nữ rất thiếu nên đề xuất các chính sách liên quan rất khó.

Hội cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, TP, các cấp, ngành khi xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia cần có một nội dung là phát triển nguồn nhân lực nữ. Một số tỉnh đã có kế hoạch chung phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, nhưng chưa có kế hoạch phát triển nguồn lực nữ. Hội cũng đã đề nghị trực tiếp với các địa phương về vấn đề này.

Về chính sách, trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng lần thứ XI, tôi cũng đề nghị sửa điều 145 Bộ luật Lao động để điều chỉnh lại độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ, tạo điều kiện cho lao động nữ có thể cống hiến và đảm bảo bình đẳng giới.

Phải tăng tỷ lệ nữ ĐB QH

Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sắp tới. Vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam được thể hiện như thế nào trong tiến trình đó, thưa bà?

Một số việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã có kết quả, một số đang trong giai đoạn đề xuất. Nhận thức rõ, QH và HĐND là những cơ quan quan trọng, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, trong đó 50% là phụ nữ. Tiếng nói của phụ nữ có đến được các cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, cũng như các cơ quan đại diện cho nhân dân ở các cấp hay không đều thông qua các ĐB, trong đó có những ĐB là phụ nữ. Vì thế, Hội thấy rõ trách nhiệm trong việc phải tăng tỷ lệ nữ trong ứng cử viên cũng như tỷ lệ nữ ĐB QH và HĐND.

Căn cứ điều 10a luật Bầu cử QH, Hội có văn bản đề nghị với QH và UBTVQH về tỷ lệ nữ là ĐB QH và HĐND là 30%. Đây không phải là lần đầu tiên đề nghị tỷ lệ này, nhưng cả nhiệm kỳ 11, 12 của QH đều chưa đạt được nên nhiệm kỳ này, nhân có Luật Bình đẳng giới và Nghị quyết của Bộ Chính trị về công tác bình đẳng giới, Hội đã đề nghị tỷ lệ 30% ĐB là nữ trong QH và HĐND và được Ủy ban thường vụ QH chấp thuận.

Ngoài ra, đại diện của Hội đã được tham gia vào Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử các cấp tương ứng. Việc này rất là quan trọng nên Trung ương Hội đã chỉ đạo các đại diện của Hội tham gia vào các cơ quan bầu cử phải thể hiện rõ vai trò đại diện cho phụ nữ, thông qua việc phát biểu ý kiến đóng góp cho các hoạt động cụ thể, chứ không phải chỉ tham gia cho có. Đến nay, việc này đã thực hiện được.

Ngoài việc đề xuất về tỷ lệ nữ ĐB, Hội đã làm gì để có thể đạt được tỷ lệ 30% ĐBQH và HĐND các cấp là nữ trong đợt bầu cử này?

Hội chỉ đạo các tỉnh, thành hội giới thiệu nguồn nhân sự nữ tham gia ứng cử ĐBQH và HĐND, chuẩn bị danh sách các nhân lực nữ để giới thiệu và khi cần có thể giới thiệu thêm.

Đồng thời, tổ chức các đoàn đi làm việc với ủy ban bầu cử, lãnh đạo của hơn 20 tỉnh, TP tìm hiểm về tình hình nữ tham gia bầu cử. Trước tình hình nhiều địa phương mới giới thiệu được 1 ứng cử viên là nữ và định “chờ” ứng viên nữ do TƯ giới thiệu, Hội đã yêu cầu các địa phương chủ động giới thiệu đủ nữ ứng cử viên theo tỷ lệ 30%. Các địa phương này đã tiếp thu để tăng tỷ lệ nữ ứng cử viên trong cuộc bầu cử sắp tới.

Không chỉ giới thiệu, Hội còn tổ chức tập huấn cho đội ngũ giảng viên 100% tỉnh, TP để họ về tập huấn kỹ năng cho 100% các nữ ứng cử viên lần đầu ứng cử QH, riêng tại 8 tỉnh có nhiều khó khăn, sẽ tập huấn cho các ứng cử viên lần đầu là ứng cử viên HĐND. Mặc dù rất muốn làm thêm nhưng thực sự chưa đủ nguồn lực để thực hiện đối với các ứng cử viên khác.

Muốn Luật “sống” phải làm tốt công tác tuyên truyền

Mặc dù công tác BĐG đã đạt được nhiều kết quả nhưng thực tế Luật BĐG vẫn chưa đi vào cuộc sống như bà vừa nhận xét. Vậy, Hội Phụ nữ cần làm gì để khắc phục điều này?

Muốn Luật “sống” trong thực tế trước hết cần phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới, về pháp luật về bình đẳng giới. Tiếp đó là tổ chức các hoạt động để hỗ trợ cho phụ nữ đạt được tiến bộ và bình đẳng giới, phát hiện và giới thiệu những phụ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phản biện xã hội về các chính sách này.

Bà có thể nói thêm về một số hoạt động cụ thể mà Hội dự kiến đề xuất để hỗ trợ cho phụ nữ đạt được BĐG?

Đầu tiên chính là đề xuất sửa đổi điều 145 Bộ luật Lao động về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ. Song không có nghĩa là sửa đổi theo hướng tất cả các phụ nữ đều làm việc đến tuổi 60, mà cần có các qui định phù hợp, linh hoạt.

Ví dụ như đối với lao động nặng nhọc thì có thể qui định tuổi nghỉ hưu như hiện nay, nhưng lao động nữ có trình độ ĐH trở lên, có tay nghề cao thì có thể cho phép linh hoạt để nghỉ hưu từ 55-60 mà không bị trừ % lương hưu. Chúng tôi đang nghiên cứu cơ sở lý luận về vấn đề này để tham gia sửa đổi cho phù hợp.

Hay như qui định về việc phụ nữ nghèo ở vùng sâu vùng xa không có bảo hiểm xã hội bắt buộc được Chính phủ hỗ trợ khi sinh con, phụ nữ đi tham gia đào tạo có con dưới 36 tháng... Hội đang nghiên cứu thực tế xem chi phí trung bình bao nhiêu để đề xuất hỗ trợ một lần để các đối tượng phụ nữ này giảm bớt khó khăn... và một số chính sách khác.

Từ thực tiễn công tác, theo bà, công tác phát triển cho phụ nữ và BĐG đang “vướng” phải những vấn đề gì?

Lấy một ví dụ về tỷ lệ nữ vào cấp ủy ở cấp tỉnh có tăng nhưng không nhiều, cấp xã được 3% cũng là lớn, cấp huyện cũng tăng khoảng 1%, thậm chí một số địa phương không đạt tỷ lệ này. Thực trạng đó do nhiều nguyên nhân, mà quan trọng là thiếu nguồn cán bộ nữ. Chất lượng cán bộ nữ đã thấp từ trước, nên không thể cùng một lúc nâng lên cao quá như vậy.

Thêm vào đó là “thiếu sót” trong công tác qui hoạch cán bộ. Một người đáp ứng vị trí nào thì phải được qui hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, giao việc, sử dụng mới có thể nâng dần trình độ, năng lực. Do đó, qui hoạch lãnh đạo phải có cả nữ, phải hỗ trợ tạo điều kiện cho nữ đạt được các yêu cầu trước khi bổ nhiệm.

Theo chúng tôi còn là do nhận thức của xã hội và những nhà hoạch định chính sách về vị trí, vai trò của phụ nữ, về lồng ghép vấn đề giới  trong chính sách chưa đầy đủ; hệ thống chính sách liên quan đến phụ nữ chưa hoàn thiện, còn thiếu nhạy cảm giới, Luật Bình đẳng giới đi vào thực tế còn chậm, một số chính sách rất tốt cho phụ nữ lại chưa được quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, bản thân Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng chưa chủ động trong tham mưu đề xuất và thực hiện chức năng đại diện quyền dân chủ và bình đẳng của phụ nữ mà nguyên nhân thiếu nguồn cán bộ có đủ khả năng làm những nghiên cứu về hoạch định chính sách, một bộ phận phụ nữ còn tự ti, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện...

Những khó khăn đó, bản thân Hội không thể tự giải quyết mà cần có sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn bà!

Hương Giang (thực hiện)

Đọc thêm