Theo kết quả PAR Index 2015, Bộ Tư pháp xếp thứ 9 trên tổng số 19 bộ, cơ quan ngang bộ với số điểm đạt được là 86,47/100 điểm, tăng 8,2 điểm so với năm 2014. Mặc dù vị trí xếp hạng của Bộ Tư pháp giữ nguyên như năm 2014, nhưng Phó Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, hầu hết các điểm số thành phần của Bộ Tư pháp đều cao hơn năm 2014 (bao gồm cả điểm của Hội đồng thẩm định và điểm qua điều tra xã hội học). Điều đó thể hiện sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ cũng như nỗ lực của các đơn vị thuộc Bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) trong năm 2015.
Nhìn lại kết quả Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp suốt từ năm 2012 đến năm 2015 thì hầu hết các lĩnh vực CCHC của Bộ Tư pháp đều tăng điểm. Lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính và lĩnh vực xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức là 2 lĩnh vực đạt kết quả nổi bật nhất. Cùng với việc tăng điểm số, đây cũng là 2 lĩnh vực giữ vị trí xếp hạng cao nhất trên 7 lĩnh vực CCHC nhà nước của Bộ Tư pháp (xếp thứ 2/19 bộ, cơ quan ngang bộ).
Tuy nhiên, qua rà soát số điểm trừ của Bộ Tư pháp, việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Bộ tồn tại một số vấn đề như vẫn còn thực trạng ban hành kế hoạch liên quan đến Chỉ số CCHC của Bộ chậm; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 ở Bộ còn chưa đạt yêu cầu; tiếp tục đạt số điểm thấp ở kết quả điều tra xã hội học (chỉ đứng thứ 12/19 bộ, cơ quan ngang bộ). Còn so sánh PAR Index 2015 và PAR Index 2012, ngoài 2 lĩnh vực đã nâng cao vị trí xếp hạng nêu trên, 5 lĩnh vực còn lại đều giảm vị trí xếp hạng. Trong đó, có 3 lĩnh vực giảm vị trí xếp hạng nhiều nhất là công tác chỉ đạo, điều hành CCHC giảm 8 bậc; lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế giảm 7 bậc và lĩnh vực hiện đại hóa hành chính giảm 6 bậc.
Đánh giá cao việc tổ chức tọa đàm rút kinh nghiệm của Bộ Tư pháp, Phó Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) Đỗ Quý Tiến chia sẻ, một trong những “điểm yếu” của Bộ Tư pháp nằm ở kết quả điều tra xã hội học. Theo ông Tiến, để tháo gỡ khâu này, Bộ Tư pháp phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền thì xã hội, người dân, dư luận mới biết công việc đã làm được của Bộ. “Chẳng hạn, đối với việc phải lùi hiệu lực thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, người ta cứ đổ lỗi cho Bộ Tư pháp, trong khi đó là trách nhiệm chung của rất nhiều cơ quan” – ông Tiến dẫn chứng. Hơn nữa, ông Tiến đề nghị Bộ Tư pháp đã đăng ký dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực nào thì phải làm, vướng thể chế phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định những thành tựu trong ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tư pháp là tích cực. Có điều, số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tham gia chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử chưa nhiều. Vì vậy, tới đây, vị đại diện này cho rằng, Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp có thể yêu cầu cấp dưới phải trình văn bản điện tử thì mới xử lý, giải quyết, thậm chí việc trình văn bản điện tử có thể xem xét là một tiêu chí thi đua, khen thưởng.
Nghiêm túc ghi nhận các góp ý trên, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng nhấn mạnh, muốn phát triển, đi lên đòi hỏi Bộ, ngành Tư pháp phải quyết tâm CCHC hơn nữa. Trong một số lĩnh vực, Thứ trưởng đưa ra nhiều chỉ đạo sát thực tế như phải kịp thời niêm yết, rà soát thủ tục hành chính; có giải pháp thiết thực, hiệu quả triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Đặc biệt, Thứ trưởng yêu cầu không được qua loa, phải làm thực chất việc trả lời kiến nghị của cử tri, của địa phương, việc lấy ý kiến của các Sở Tư pháp, đồng thời chú trọng tăng cường công tác truyền thông về các hoạt động của Bộ, ngành.