Để có thể kinh doanh trong một ngành nghề, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện cho mỗi hoạt động. Mỗi hoạt động đó lại có thể phải xin một giấy phép riêng. Ví dụ, một doanh nghiệp nếu muốn kinh doanh xuất khẩu gạo phải đáp ứng đồng thời rất nhiều điều kiện, trong đó một số điều kiện chính là nằm trong quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, có sẵn nhà kho có sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, có máy xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Khi đã đáp ứng các điều kiện trên thì lúc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo cụ thể, doanh nghiệp tiếp tục phải đáp ứng tiếp các điều kiện như “đăng ký” hợp đồng với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và được Hiệp hội này đồng ý; trong quá trình thực hiện hợp đồng, phải dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 10% số lượng gạo đã xuất khẩu trong sáu tháng liền kề trước... Mỗi một điều kiện thông thường tương ứng với một loại giấy phép. Do đó, để được thừa nhận là đủ điều kiện tham gia thị trường, thông thường doanh nghiệp phải “xin” rất nhiều các loại giấy phép khác nhau.
Theo Báo cáo rà soát điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nghiên cứu, Luật Đầu tư 2014, sửa đổi năm 2016 điều chỉnh từ 267 xuống còn 243 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, VCCI cho rằng trong danh mục này vẫn còn nhiều ngành, nghề không phù hợp.
Cụ thể, một số ngành, nghề không có tác động đáng kể tới lợi ích công cộng. Đó là những ngành, nghề kinh doanh thông thường, các rủi ro được giải quyết bằng pháp luật dân sự hoặc không có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, trật tự, đạo đức xã hội và sức khỏe cộng đồng (như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển...). Một số ngành, nghề khác có thể quản lý bằng hình thức khác thay vì điều kiện kinh doanh như quản lý bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, các quy định quản lý quá trình kinh doanh hay quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra... Ngoài ra, nhiều ngành, nghề khác trong danh mục không rõ tính đặc thù so với các ngành nghề kinh doanh thông thường cùng loại; có phạm vi kiểm soát quá mức cần thiết.
Còn thống kê trong Báo cáo về Điều kiện Kinh doanh 2017 mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) mới công bố thì cho thấy, hiện cả nước có khoảng 30 ngành nghề, dịch vụ và hàng hóa cấm kinh doanh; 12 ngành nghề chỉ doanh nghiệp Nhà nước được kinh doanh. Hơn 243 ngành nghề, 69 dịch vụ, 23 hàng hóa kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Có điều 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới chỉ là ngành nghề “mẹ”, còn tại các lĩnh vực “mẹ” sản sinh nhiều đăng ký kinh doanh (ĐKKD) “con”, “cháu”. Ba lĩnh vực mà CIEM cho là có tình trạng ĐKKD chồng lấn, xếp tầng lên nhau gây nhức nhối nhất là tài chính (có 20 ngành nghề kinh doanh “mẹ”, 60 ĐKKD “con”, “cháu”), xây dựng (có 17 ĐKKD “mẹ”, 26 ĐKKD “con”, “cháu”), giao thông vận tải (ĐKKD “mẹ” có hơn 30 ĐKKD nhưng các ĐKKD “con”, “cháu” lên đến hơn 60).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, các chuyên gia kinh tế đề xuất sớm có giải pháp chấm dứt tình trạng “hành” doanh nghiệp. Chuyên gia độc lập về chính sách công Nguyễn Quang Đồng thừa nhận, quyền tự do kinh doanh là có giới hạn. Nhà nước cần có những can thiệp nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của người này không làm tổn hại đến lợi ích của người khác và của cả cộng đồng.
Nhưng theo ông Đồng, sự can thiệp đó không chỉ giới hạn trong giai đoạn đầu doanh nghiệp tham gia thị trường mà là xuyên suốt trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vì thế, không thể cắt khúc, phân đoạn quản lý điều kiện kinh doanh cho giai đoạn gia nhập thị trường (được quy phạm hóa và đặt dưới sự kiểm soát), còn các quy định hành chính khác thì “nằm ngoài tầm ngắm”.