Phải tuân thủ luật pháp quốc tế Trung Quốc mới duy trì được sự phát triển

(PLO) - Đó là nhận định của ông Hà Anh Tuấn - nghiên cứu sinh tiến sĩ về chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường Đại học New South Wales, Australia và là một nhà lãnh đạo trẻ của Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) - về những động thái gần đây của Trung Quốc trên các vùng biển quanh nước này. Bài viết được đăng tải trên tạp chí National Interest.
Người dân Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: CNN
Người dân Việt Nam phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Ảnh: CNN
Trong suốt thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực để thuyết phục thế giới rằng nước này đang trỗi dậy một cách hòa bình. Thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” được đưa ra từ đầu năm 2003, khi ông Trịnh Tất Kiên – khi đó là Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc - có bài phát biểu tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao. Thuật ngữ này sau đó đã được các nhà lãnh đạo Trung Quốc, như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo sử dụng trong nhiều bối cảnh quan hệ chính trị khác nhau. 
Từ năm 2004, thuật ngữ “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc được thay thế bằng “phát triển hòa bình”. Các nguyên tắc cơ bản của thuyết này gồm có: Trung Quốc sẽ không tìm kiếm quyền bá chủ, sự trỗi dậy về mặt kinh tế và quân sự của nước này sẽ không trở thành những mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định trong khu vực và quốc tế, các nước khác sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. 
Tuy nhiên, các sự kiện xảy ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ năm 2007 cho đến nay cho thấy Trung Quốc đang tăng cường cách tiếp cận gây hấn với những nước láng giềng của mình. Các tàu cảnh sát biển của Trung Quốc đã được huy động để thực thi các tuyên bố chủ quyền mà nước này tự đặt ra trên biển Hoa Đông và biển Đông. 
Tàu Trung Quốc đã bắt và tấn công các tàu cá của các nước Đông Nam Á đang hoạt động trong các ngư trường truyền thống của họ, quấy rối tàu hải quân Mỹ khi các tàu này hoạt động ở 2 vùng biển trên. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn can thiệp thô bạo khi các tàu cá của ngư dân nước này bị giới chức các nước khác kiểm tra về cáo buộc đánh cá bất hợp pháp. 
Bắc Kinh cũng đã có hàng loạt động thái khác nhau để thách thức hiện trạng trong các tranh chấp trên biển Đông. Năm 2009, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức đệ trình đường 9 đoạn, trong đó Trung Quốc đơn phương tuyên bố đến 80% diện tích biển Đông. Năm 2012, nước này triển khai một loạt các tàu để thách thức sự hiện diện của Philippines tại bãi cạn Scarborough và cuối cùng đã kiểm soát bãi cạn. Cùng năm, Trung Quốc đã thành lập thành phố Tam Sa và cho đồn trú trái phép một đơn vị quân sự trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Năm 2011, Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mở rộng phạm vi hoạt động về phía Nam, kêu gọi hợp tác quốc tế trong việc thăm dò và khai thác dầu trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Những hành động mới đây nhất của nước này đã đẩy các căng thẳng lên những tầm cao mới. 
Một trong những hành vi nghiêm trọng nhất của Trung Quốc trong những tuần gần đây là việc Trung Quốc di chuyển một giàn khoan khổng lồ vào khu vực cách bờ biển của Việt Nam chỉ 120 hải lý. Để bảo vệ giàn khoan này khỏi các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam thực hiện chức năng hợp pháp của mình, nhiều tàu Trung Quốc, trong đó có cả một số tàu chiến đã được triển khai đến khu vực này. Các tàu của Trung Quốc đã cố ý đâm vào tàu của Việt Nam khi tàu Việt Nam cố ý tiếp cận giàn khoan, khiến tình hình trở nên rất nghiêm trọng. 
Hành vi này của Trung Quốc chỉ có thể chứng minh rằng thuyết “trỗi dậy hòa bình” của nước này đã chấm dứt. Sự quyết đoán và hung hăng của Trung Quốc đã đẩy các nước láng giềng ra xa nước này. Trong tình hình hiện nay, chỉ có tôn trọng hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế cùng với việc tuân thủ luật pháp quốc tế thì Bắc Kinh mới có thể giảm căng thẳng trong khu vực trong khi vẫn duy trì được sự phát triển bền vững dài hạn của nước này.  

Đọc thêm