Nhận diện chiến lược pháp lý của Trung Quốc trên biển Đông

(PLO) - Trong những ngày qua, dư luận thế giới tiếp tục có những bài viết vạch rõ sự vô lý của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền của nước này trên biển Đông.
Biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam  tại London (Anh). Ảnh: BBC
Biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam tại London (Anh). Ảnh: BBC
Trong một bài viết được đăng tải trên tờ National Interest, Sean Mirski – biên tập viên của tờ Tạp chí Luật của Trường Đại học Luật Harvard – khẳng định, Trung Quốc luôn mơ hồ trong chiến lược pháp lý của mình trên biển Đông và tìm cách trì hoãn việc làm rõ các tuyên bố đó. Thậm chí đến tận bây giờ, sau vài thập kỷ tranh cãi, phạm vi của những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc vẫn không được làm rõ. 
Theo tác giả Sean Mirski, năm 2009 Malaysia và Việt Nam cùng đệ đơn lên cơ quan của Liên Hợp quốc về các giới hạn bên ngoài thềm lục địa của các nước này. Ngay sau đó, Trung Quốc đã gửi văn bản phản đối các tuyên bố chủ quyền của 2 nước. 
Văn bản của Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo trên biển Đông, các vùng biển lân cận và được hưởng các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan cũng như đáy biển và lòng đất ở đó” và gửi kèm một tấm bản đồ. Bản đồ mà Trung Quốc gửi kèm theo cho thấy một đường 9 đoạn trải dài từ bờ biển của Trung Quốc và bao gồm gần như toàn bộ biển Đông. 
Từ đó, các nước cũng như các nhà bình luận đều tự hỏi, đường 9 đoạn này biểu thị điều gì. Có vẻ như rõ ràng là Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền đối với tất cả những hòn đảo nằm trong ranh giới mở rộng của đường 9 đoạn. Nhưng, điều ít rõ ràng hơn là liệu nước này có tuyên bố chủ quyền đối với tất cả vùng biển bên trong đường 9 đoạn ấy hay không. 
Theo tác giả Sean Mirski, việc làm nói trên của Bắc Kinh là sự vi phạm trắng trợn các nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, các nước bị ràng buộc bởi nguyên tắc “đất chiếm ưu thế so với biển”, tức chủ quyền của các vùng biển bắt nguồn từ chủ quyền của vùng đất gần đó chứ không phải ngược lại. 
Theo nguyên tắc này, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) cho phép các quốc gia kiểm soát vùng biển mở rộng tới một khoảng cách nhất định kể từ lãnh thổ của họ. Kể cả có xem xét rộng rãi nhất thì Trung Quốc cũng không thể tuyên bố chủ quyền hợp pháp đối với vùng biển được bao quanh bởi đường 9 đoạn đó. 
Việc Trung Quốc không bao giờ chính thức làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình đã khiến cho các nhà bình luận, trong đó có cả các học giả Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc hoàn toàn không tự tin vào cơ sở pháp lý của mình. Gần như tất cả các nhà bình luận chú ý đến các tranh chấp trên biển Đông đều đã nhiều lần lên tiếng thúc giục Bắc Kinh làm rõ các tuyên bố pháp lý mơ hồ này. 
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, một bài viết khác của National Interest khẳng định Trung Quốc đã phạm 4 sai lầm chiến lược: tạo phản ứng mạnh và quyết đoán từ Việt Nam, vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông, đánh mất lý do hiện đại hóa quân sự và cuối cùng là gây bất ổn an ninh khu vực.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 19/5 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đã có từ 12 năm nay với hành vi cải tạo đất trên đảo Gạc Ma (tên quốc tế là Johnson South) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đọc thêm