Kịp thời tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn
Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương về tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (trong đó, sáp nhập các tỉnh, bỏ cấp huyện, sáp nhập các xã), các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động, làm tốt công tác quán triệt, định hướng tư tưởng trong đơn vị, địa phương của mình cũng như tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm sự đoàn kết, đồng thuận, thống nhất cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đối với các chủ trương lớn của Đảng. Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức rõ những công việc mà Đảng, Nhà nước đang làm sẽ quyết định đến tương lai, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Yêu cầu được Đảng ta đề ra trong công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy là phải công tâm, khách quan, đặt lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân lên trên hết, trước hết. Tại Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã yêu cầu: việc nghiên cứu phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nâng cao vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới…
Để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong triển khai thực hiện Kết luận số 126-KL/TW và Kết luận 127-KL/TW, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng đã tham mưu tổ chức 19 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, làm việc với 69 Đảng ủy, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương để nắm tình hình, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4 chuyên đề công tác lớn, từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc. Thông qua các đợt kiểm tra, những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn đã được ghi nhận, phân tích và tìm giải pháp phù hợp. Đây không đơn thuần là hoạt động giám sát mà cao hơn, thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ của Đảng để các địa phương, đơn vị thực hiện tốt chủ trương quan trọng này.
Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII diễn ra mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, để tiếp tục cuộc cách mạng về tinh giản tổ chức bộ máy, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp nhiều phiên, bàn bạc thấu đáo nhiều khía cạnh và thống nhất cao trình Trung ương Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp… Thông tin mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm được là đại đa số Nhân dân, cán bộ, đảng viên đều đồng tình ủng hộ, đánh giá cao chủ trương này và mong muốn sớm được triển khai thực hiện.
Với quyết tâm chính trị cao nhất, bởi “chậm trễ là có lỗi với Nhân dân”, các cấp, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện theo phương châm “vừa chạy, vừa xếp hàng” với tư duy đổi mới, hành động quyết liệt: “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.
Bảo đảm chế độ cho cán bộ thuộc diện sắp xếp
Việc cải cách, tinh gọn bộ máy là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, thậm chí cả sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên. Nhưng nói như Tổng Bí thư Tô Lâm, tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Hơn một trăm năm trước, trước thực trạng yếu kém của bộ máy nhà nước Xô Viết, V.I.Lênin đã nhấn mạnh quy tắc cải tiến “thà ít mà tốt”: “Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết”. Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Đồng thời, có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.
Tuy nhiên, với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Đảng, Nhà nước ta cũng khẩn trương ban hành các chính sách bảo đảm quyền, lợi ích của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, góp phần giải tỏa tâm tư, tạo thuận lợi trong quá trình sắp xếp. Cụ thể, Nghị định 178/2021/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã xây dựng các chính sách nhân văn, phù hợp; chế độ nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc theo nguyện vọng cũng được thực hiện minh bạch, công tâm. Sau khi ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 67/2025/NĐ-CP để mở rộng phạm vi điều chỉnh, đồng thời bổ sung các chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho những cán bộ về hưu sớm, thể hiện tính ưu việt của chế độ.
Không để “chảy máu chất xám”
Tại một số địa phương, đơn vị thực hiện sáp nhập, với tinh thần “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết”, nhiều cán bộ đã tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi với lý do vô cùng giản dị mà cao quý: “để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sắp xếp bộ máy”, “tạo cơ hội cho lớp trẻ phát triển”... Đáng chú ý, trong những người tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, rất nhiều người đang ở vị trí lãnh đạo chủ chốt của cơ quan, đơn vị và còn nhiều năm nữa mới đến tuổi hưu, điển hình là Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương…
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tính đến thời điểm 21/2/2025, đã có 180 cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ trước tuổi khi Bộ Nội vụ hợp nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân, khi vừa được thông báo về chính sách đối với người nghỉ hưu trước tuổi đã viết đơn tình nguyện nghỉ sớm. Một số người giữ vị trí cấp trưởng tuy không thuộc đơn vị hợp nhất nhưng vẫn xin nghỉ để các đơn vị khác sau hợp nhất thừa cấp trưởng có thể bố trí thay thế vào vị trí đó.
Phát biểu tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chủ trương tinh gọn, sắp xếp bộ máy được Nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình ủng hộ và tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt; cho thấy đây là chủ trương rất đúng, được Nhân dân mong đợi từ rất lâu. Việc tinh gọn bộ máy để giảm chi thường xuyên chỉ là một phần, mục tiêu quan trọng hơn là để bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, thúc đẩy phát triển đất nước trong giai đoạn tới.
Tinh thần trên thể hiện sự đồng lòng, ủng hộ cao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng, mục tiêu của tinh gọn bộ máy không chỉ là giảm số lượng mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tức là bên cạnh quyết tâm không để cơ quan nhà nước là “vùng trú ẩn an toàn” cho cán bộ yếu kém, không để tình trạng cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, thì đồng thời phải giữ chân và tạo điều kiện phát huy tối đa năng lực của những người thực sự có phẩm chất, tài năng, trí tuệ. Điều này đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ tại Kết luận 126-KL/TW: Quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ phải công tâm, khách quan theo tinh thần “từ việc chọn người”, giữ được những cán bộ có năng lực, không để “chảy máu chất xám”… Mới đây nhất, tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng yêu cầu triển khai ngay 7 công việc, trong đó chủ động các nhiệm vụ về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm giữ chân người tài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người bị tác động, ảnh hưởng; chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý, tạo thuận lợi cao nhất cho sắp xếp…
Rõ ràng là việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị không chỉ hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, mà còn thể hiện rõ tinh thần nhân văn, trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức và luôn đặt con người ở vị trí trung tâm. Chủ trương đúng đắn, hành động kiên quyết, chính sách kịp thời, nhân văn và đồng bộ là minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới vì Nhân dân, đưa đất nước phát triển giàu mạnh, vững bước vào kỷ nguyên thịnh vượng.