Theo Chủ nhiệm khoa Y học Cổ truyền - Bệnh viện TƯQĐ 108, nấm linh chi vốn rất phong phú về chủng loại theo thực vật học, có xuất xứ từ nhiều nơi như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam..., khác nhau về nguồn gốc thu hái từ tự nhiên hay gieo trồng.
Riêng ở Trung Quốc có tới 84 loài linh chi, trong đó có 12 loài được dùng để làm thuốc. Sách Bản thảo cương mục (1595) của nhà bác học Lý Thời Trân căn cứ theo màu sắc của linh chi cũng đã phân thành 6 loại: loại có màu vàng gọi là Kim chi hay Hoàng chi, loại có màu xanh gọi là Thanh chi, loại có màu hồng, màu đỏ gọi là Hồng chi hay Đan chi hoặc Xích chi, loại có màu trắng gọi là Bạch chi hay Ngọc chi, loại có màu đen gọi là Huyền chi hay Hắc chi và loại có màu tím gọi là Tử chi, trong đó Linh chi đen và đặc biệt là Linh chi đỏ được coi là có công dụng trị liệu tốt nhất và được dùng nhiều nhất trên thế giới hiện nay.
Thị trường nấm linh chi hiện nay ở nước ta như một "trận đồ bát quái. Nếu dạo qua phố Lãn Ông ở Hà Nội, người mua sẽ loá mắt vì đủ loại nấm linh chi to nhỏ, nặng nhẹ, với màu sắc, nguồn gốc khác nhau. Có loại bằng cái nón nhỏ, 1kg có 2 - 3 nấm; có loại 1k được 15 - 20 nấm. Loại màu đỏ, loại màu đen, được giới thiệu là linh chi Trung Quốc, hoặc Hàn Quốc...
"Thật khó phân biệt linh chi thật giả bởi lẽ không hiếm trường hợp “thật mà lại là giả” vì hoạt chất trong dược liệu đã bị chiết xuất cạn kiệt trước khi đem bán, cái nấm khi đó chỉ còn là “rác” mà thôi", ông Hoàng Khánh Toàn nói.
Chuyên gia về Y học Cổ truyền khuyến cáo, người tiêu dùng chỉ nên mua linh chi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng ở tại các cơ sở đông dược có đủ tư cách pháp nhân (kể cả trong nước và ngoài nước). Nên dùng linh chi được gieo trồng chuyên nghiệp vì chất lượng ổn định, đảm bảo hiệu quả và không có các phản ứng bất lợi. Khi mua, nên chọn loại nấm có kích thước vừa phải, lành lặn, dày dặn, không bị mối mọt và còn nguyên tán, khi sắc hoặc hãm uống thử phải có được thứ dịch màu hổ phách, mùi nồng nồng và vị đắng đặc trưng.