Phân biệt tác phẩm gốc và tác phẩm AI trong kỷ nguyên số thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong kỷ nguyên số, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tái tạo nghệ thuật tinh xảo đến mức khó phân biệt với tác phẩm do con người tạo ra. Do đó, các công cụ nhận diện và phát hiện tác phẩm tạo sinh bởi AI ngày càng trở nên thiết yếu, nhất là trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền, góp phần duy trì giá trị của sáng tạo gốc.
 Bức tranh Theatre D’opera Spatial của Jason Allen vẽ bởi AI Midjourney từng gây tranh cãi khi thắng giải trong cuộc thi nghệ thuật tại Colorado State Fair. (Ảnh: Midjourney)
Bức tranh Theatre D’opera Spatial của Jason Allen vẽ bởi AI Midjourney từng gây tranh cãi khi thắng giải trong cuộc thi nghệ thuật tại Colorado State Fair. (Ảnh: Midjourney)

AI trong nghệ thuật: Đón nhận hay phản đối?

Năm 2023, nhiếp ảnh gia người Đức Boris Eldagsen đã lên tiếng thừa nhận bức ảnh giúp anh giành chiến thắng tại hạng mục “Sáng tạo mở” của cuộc thi nhiếp ảnh thế giới do Sony tổ chức, thực chất được tạo bằng AI. Trước đó, năm 2022, bức tranh “Théâtre D'opéra Spatial” của Jason Allen, tạo ra bằng AI Midjourney, đã gây tranh cãi khi giành giải nhất tại Hội chợ Bang Colorado (Hoa Kỳ). Cộng đồng nghệ sĩ cho rằng việc sử dụng AI trong nghệ thuật làm mờ ranh giới giữa sáng tạo của con người và máy móc, đặt ra câu hỏi về tính công bằng và bản quyền trong nghệ thuật. Đáng chú ý, những sự kiện tương tự ngày càng phổ biến trong những năm gần đây khi công nghệ AI phát triển mạnh mẽ, lan tỏa vào hầu hết các lĩnh vực sáng tạo.

Trả lời Báo Pháp luật Việt Nam, bà Mai Nguyệt Anh, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của RIO Book, đồng tác giả khoá học “Viết sách cùng AI” cho biết: Ngành công nghiệp sáng tạo đang ngày càng đối mặt với sự hòa nhập của AI trong nhiều khía cạnh của quá trình tạo nội dung, bao gồm dịch thuật, viết và thiết kế. Việc ứng dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật và nội dung không chỉ còn nằm ở khía cạnh “bắt trend” (thử theo xu hướng) mà thực sự chứng thực được hiệu quả trong việc thúc đẩy quá trình sáng tạo. Đầu tiên, về tốc độ sáng tạo, AI giúp tác giả, nghệ sĩ, nhà sáng tạo làm việc nhanh hơn, cho phép họ sản xuất tác phẩm trong thời gian ngắn hơn so với các phương pháp truyền thống. Bên cạnh đó, các công cụ AI cho phép người sáng tạo thử nghiệm nhiều ý tưởng và phong cách khác nhau, mở ra khả năng sáng tạo mới mà trước đây có thể khó thực hiện. Lấy ví dụ trong việc viết sách, trước đây tác giả chỉ có thể tạo ra một bản thảo theo một định hướng nhất định, thì quá trình làm việc cùng AI có thể hỗ trợ tác giả đưa ra nhiều phiên bản khác nhau dựa trên phiên bản gốc. Điều này giúp họ phát triển và mở rộng lựa chọn để quyết định định hướng phù hợp cho tác phẩm của mình.

Tuy vậy, bà Nguyệt Anh nhấn mạnh: “Quá trình làm việc cùng AI không có nghĩa là để cho AI tự xử lý và làm ra tác phẩm trực tiếp, mà đó là quá trình cộng tác giữa con người và AI. Để tạo ra được các tác phẩm chất lượng, có hàm lượng sáng tạo và tính độc đáo cao, yếu tố con người đồng hành là yếu tố quan trọng. Bởi chỉ có con người mới có những góc nhìn độc đáo của riêng họ, có nguyên liệu và quy trình sáng tạo phù hợp cho tác phẩm. Các tác phẩm gốc thường được tạo ra qua sự sáng tạo của con người, bao gồm biểu đạt cá nhân, cảm xúc và các kỹ thuật nghệ thuật độc đáo. Nghệ sĩ có quyền kiểm soát hoàn toàn từng khía cạnh của tác phẩm, từ ý tưởng đến khi hoàn thiện, đưa ra các lựa chọn cẩn thận về từng chi tiết. Còn AI sẽ là cộng sự hỗ trợ từng bước triển khai hiệu quả hơn”.

Hiện nay, mức độ chấp nhận tác phẩm do AI tạo ra có sự khác biệt giữa các lĩnh vực sáng tạo. Hơn hết, việc ứng dụng AI vào các ngành sáng tạo đặt ra những câu hỏi về quyền tác giả, sự công nhận và vai trò của con người trong quá trình sáng tạo.

Kết hợp các phương pháp nhận diện tác phẩm AI

Khi AI tiếp tục phát triển, việc phân biệt giữa các tác phẩm gốc do con người tạo ra và những tác phẩm do AI tạo nên ngày càng trở nên khó khăn hơn. Thách thức này xuất phát từ sự cấp tiến của công nghệ AI, có khả năng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật nói riêng và nội dung sáng tạo nói chung mô phỏng sát phong cách và biểu đạt của con người. Dù vậy, vẫn có những dấu hiệu giúp nhận diện các tác phẩm thuần do AI tạo ra.

Bà Mai Nguyệt Anh, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của RIO Book. (Ảnh: NVCC)

Bà Mai Nguyệt Anh, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của RIO Book. (Ảnh: NVCC)

Đơn cử, đối với hình ảnh, nghệ thuật AI thường chứa các yếu tố siêu thực hoặc bất thường về mặt hình ảnh, chẳng hạn như các chi tiết khuôn mặt không khớp hoặc phong cảnh vi phạm các quy luật vật lý, bà Nguyệt Anh chỉ ra. Hơn nữa, các nghệ sĩ thường truyền tải vào tác phẩm của mình những trải nghiệm và cảm xúc cá nhân, tạo nên sự cộng hưởng cảm xúc độc đáo; trong khi đó các tác phẩm do AI tạo ra có thể thiếu chiều sâu này, trông có vẻ cơ học hoặc máy móc hơn. Một yếu tố khác, AI có thể tạo ra các tác phẩm với những họa tiết hoặc phong cách lặp lại, cho thấy thiếu tính sáng tạo và đa dạng đặc trưng trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của con người. Cạnh đó, một số lỗi hoặc méo mó trong hình ảnh có thể cho thấy sự can thiệp kỹ thuật số, là đặc điểm thường thấy của hình ảnh do AI tạo ra.

Đồng tình, TS. Trần Tiến Công, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trong bài tham luận “Nâng cao tính xác thực và bảo hộ quyền của hình ảnh trong thời đại của AI tạo sinh”, cho biết: “Các mô hình tạo sinh hình ảnh hiện đại thể hiện tính thành thạo cao, tuy nhiên đôi khi chúng cũng biểu hiện các hiện tượng giả có thể nhận thấy rõ”. Ví dụ, khuôn mặt tạo bởi mạng sinh đối nghịch (GAN) thường có đồng tử và giác mạc không nhất quán. Tương tự, hình ảnh từ mô hình khuếch tán (DM) đôi khi xuất hiện hai khuôn mặt hoặc gặp khó khăn khi tái tạo chi tiết bàn tay và ngón tay, nhất là khi không sử dụng tỷ lệ khung hình 1:1.

Tuy nhiên, với sự cải tiến liên tục, việc phát hiện hình ảnh giả bằng mắt thường ngày càng khó khăn. Phát hiện hình ảnh tổng hợp đã trở thành một lĩnh vực quan trọng trong thời đại số, dựa trên các phương pháp khác nhau như phân tích dữ liệu, tiêu chí quy tắc, đặc điểm không gian và tần số. Đặc biệt, phương pháp dựa vào phân tích dữ liệu, với sự hỗ trợ của mạng nơron tích chập (CNN), đang chiếm ưu thế. Các phương pháp dựa trên quy tắc cũng đóng vai trò quan trọng, tập trung vào việc phát hiện các đặc điểm tần số cao độc đáo của các mô hình AI tạo ra hình ảnh. TS. Công khẳng định rằng việc phân biệt hình ảnh gốc và hình ảnh do AI tạo sinh có ý nghĩa quan trọng trong nhiều lĩnh vực, như phát hiện thông tin giả mạo, bảo vệ quyền riêng tư, giảm thiểu rủi ro an toàn và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Cũng như hình ảnh, nội dung do AI tạo ra có xu hướng dự đoán được và thiếu những yếu tố độc đáo hoặc bất ngờ, trong khi các tác giả con người thường mang đến những góc nhìn độc đáo hoặc yếu tố gây ngạc nhiên để thu hút người đọc. Bà Nguyệt Anh nhận xét, hệ thống AI thường tổng hợp thông tin có sẵn trên mạng, dẫn đến nội dung chung chung hoặc hời hợt. Dù độ chính xác cao về ngữ pháp là đặc điểm nổi bật của văn bản AI, nhưng nó cũng có thể cho thấy sự thiếu vắng chất riêng của con người. Văn bản do con người viết có thể chứa các lỗi hoặc nét đặc trưng riêng, phản ánh phong cách cá nhân.

Hiện nay, việc phân biệt giữa tác phẩm gốc và nội dung do AI tạo ra đòi hỏi sự kết hợp giữa các công cụ phát hiện tự động và kỹ thuật phân tích thủ công. Mặc dù có nhiều công cụ hiệu quả, chúng vẫn có những tính hạn chế nhất định, đặc biệt là về các trường hợp báo động giả. Bà Nguyệt Anh cho rằng, có thể sử dụng một số phương pháp kết hợp như tư vấn chuyên gia, công cụ phát hiện tự động và phản hồi từ cộng đồng. Cụ thể, chuyên gia hoặc người sáng tạo nghệ thuật có kinh nghiệm về các tác phẩm của con người và AI có thể cung cấp những cái nhìn sâu sắc thông qua khả năng nhận ra những khác biệt nhỏ trong phong cách, bố cục, cách xử lý, chi tiết,… (đối với hình ảnh) và phong cách, giọng điệu, cảm xúc, cấu trúc nội dung, ngữ cảnh,… (đối với nội dung) mà người xem thông thường có thể không nhận ra. Cùng với đó là các công cụ phân loại đã được phát triển để nhận diện tác phẩm do AI tạo ra. Ví dụ đối với hình ảnh có thể sử dụng Maybe AI Art Detector, Illuminarty,…; đối với nội dung có thể sử dụng Originality.ai, QuillBot,… Cuối cùng, việc chia sẻ các tác phẩm trong các cộng đồng trực tuyến có thể mang lại những góc nhìn đa dạng và sự phân tích từ cộng đồng về việc liệu tác phẩm có phải do con người hay AI tạo ra. Phương pháp này có thể giúp cải thiện độ chính xác trong việc nhận diện và phân biệt.