Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh tới vấn đề quy hoạch, dự báo chiến lược trong trồng trọt. “Phải làm sao thoát được khủng hoảng thừa, khỏi tình trạng người nông dân cứ cái gì thấy được giá mùa này thì xông vào trồng cái đó xong mùa sau lại đi giải cứu. Phải xây dựng chính sách phù hợp, không để người nông dân tự phát muốn trồng cây gì nuôi con gì thì nuôi, dẫn tới nhiều hệ lụy mà người nông dân chính là người phải trả giá đầu tiên”, bà nói.
Cùng với đó, nữ ĐB này cũng bày tỏ băn khoăn về việc quản lý chất lượng và sử dụng sản phẩm sao cho đảm bảo an toàn thực phẩm. “Tôi nghe có thông tin chúng ta nhập về mỗi ngày 2 triệu USD tiền thuốc bảo vệ thực vật. Không ai cấm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng phải sử dụng đúng quy trình, đặc biệt khi thu hoạch phải đảm bảo ngưỡng an toàn. Có thể vấn đề này đã được đề cập đến trong luật khác thì đề nghị ban soạn thảo rà soát lại và bổ sung, nêu quan điểm trong luật để cho thấy có sự quản lý đồng bộ đối với không chỉ phân bón mà cả thuốc bảo vệ thực vật”, ĐB Lan nói.
Theo ĐB Lan, bà nhận được thông tin từ Bộ Công thương cho biết đã có sự tăng vọt về việc nhập các chủng loại thuốc bảo vệ thực vật. “Cần xem lại thị trường có cần đến vậy không và cách thức sử dụng của nông dân. Ai chịu trách nhiệm trong việc xây dựng những quy trình, tập huấn quy trình đó và đảm bảo việc sử dụng đúng quy trình? Chúng ta hướng tới một nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao thì không thể lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật”, ĐB Lan nói.
Cùng với đó, ĐB Lan cũng đề nghị phải có giải pháp để chống nạn phân bón giả. “Quy định trong luật này chưa đủ sức mang tính răn đe, mới chỉ chung chung là kêu gọi, khuyến khích nhưng cuối cùng nhập thì cứ nhập về rồi không kiểm soát nổi trên thị trường, cuối cùng nông dân là người lĩnh tất cả”, bà nói.
Đặc biệt, ĐB Lan cho rằng cần phải có những động thái, chủ trương để đối phó với những hành vi, âm mưu hết sức thâm độc, như hiện giờ là tình trạng thu mua rễ cây tiêu giá cao. “Chúng ta có động thái, có chủ trương gì để chống những cái phi nông nghiệp, tiềm ẩn những nguy hại? Từ trước giờ chúng ta bị nhiều rồi chứ không phải chỉ có việc rễ cây tiêu này”, ĐB nói.
ĐB Lan bày tỏ mong khi luật ra đời sẽ xứng đáng với công sức, tiền bạc, đáp ứng mong chờ của người dân và toàn xã hội, còn nếu có luật nhưng không có dũng khí chống lại những cái sai trái, không có những chính sách để khuyến khích những việc làm tốt, “luật chỉ để trang trí thì không nên”.
Băn khoăn về hiện tượng được mùa mất giá khiến cả nước phải nhào vào giải cứu người nông dân, ĐB Trần Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt ra vấn đề trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, tỉnh thành trong việc định hướng, quy hoạch giống cây trồng; trách nhiệm của Chính phủ, đặc biệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc quy hoạch những khu vực nào trồng những gì, trồng bao nhiêu ha cây trái…
“Trong dự thảo luật quy hoạch vùng trồng còn rất mờ nhạt, chỉ giao cho các UBND các tỉnh. Quy định như vậy không hợp lý, làm phá vỡ quy hoạch. Mỗi tỉnh sẽ làm theo quan điểm riêng của tỉnh đó, như cây thanh long trồng nhiều nên khả năng tiêu thụ có đảm bảo không?”, ĐB đặt câu hỏi.
ĐB Thúy cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề phân bón vì nông dân hiện hoàn toàn thụ động trước tình trạng phân bón kém chất lượng nhưng không thể nào giải quyết được. Có những loại phân bón được quảng cáo nhưng khi mua về bón xong chết cả cây chứ không phải tốt cây. “Vậy ai sẽ bảo vệ nông dân và quy định trong luật này như thế nào? Cần phải có quy định”, ĐB nói.