Đây là tham vọng của Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035" (gọi tắt là Đề án 223) nhằm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng vận động viên tài năng, có năng khiếu đặc biệt ở một số môn thể thao thành tích cao; thế mạnh của Việt Nam đạt trình độ và giành thứ hạng cao tại các kỳ thi đấu khu vực, châu lục, thế giới và Olympic.
Chọn các huấn luyện viên tài năng, có trình độ chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm, có khả năng đặc biệt trong huấn luyện vận động viên thi đấu đạt thành tích huy chương tại các đấu trường trong nước và quốc tế; Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thể thao thành tích cao có trình độ chuyên môn giỏi, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng để phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp phát triển ở châu lục.
Đề án của Bộ VHTT&DL đặt chỉ tiêu phấn đấu đến 2035: tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện khoảng 3700 vận động viên tài năng trong đó có khoảng 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế.
Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 600 huấn luyện viên. Tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý thành tích cao, chỉ tiêu đào tạo khoảng 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ.
Đề án lựa chọn 16 môn thể thao trong số 32 môn thể thao trọng điểm, số lượng các môn thể thao được Bộ VHTTDL xem xét, điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy vào tình hình thực tế.