Phân loại lao động để chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn

(PLVN) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.
Ảnh minh họa

Theo đó, người sử dụng lao động phải tiến hành việc phân loại lao động ít nhất 1 lần trong 3 năm để thực hiện các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động tốt hơn.

Theo đó, việc phân loại được sử dụng với ba mục đích, gồm:

Thứ nhất, xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Thứ hai, phân loại nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động (LĐ) để thực hiện các chế độ bảo hộ LĐ và chăm sóc sức khoẻ đối với người LĐ theo quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh LĐ.

Thứ ba, lập hồ sơ đánh giá điều kiện LĐ làm cơ sở để người sử dụng LĐ đề xuất cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người LĐ theo quy định tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội.

Về loại điều kiện LĐ: người LĐ làm nghề, công việc không nặng nhọc, không độc hại, không nguy hiểm là người LĐ làm nghề, công việc có điều kiện LĐ được xếp loại I, II, III; người LĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là người LĐ làm nghề, công việc có điều kiện LĐ được xếp loại IV. Người LĐ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm là người LĐ làm nghề, công việc có điều kiện LĐ được xếp loại V, VI.

Theo dự thảo Thông tư, việc phân loại điều kiện LĐ phải dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh LĐ theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh LĐ và kết quả đánh giá xác định điều kiện LĐ theo phương pháp quy định tại Thông tư này.

Người sử dụng LĐ thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại LĐ lần đầu và khi có sự thay đổi về công nghệ, quy trình tổ chức sản xuất dẫn đến việc thay đổi về điều kiện LĐ hoặc khi thực hiện đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh LĐ theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh LĐ mà phát hiện những yếu tố nguy hiểm, có hại mới phát sinh so với lần đánh giá trước đó nhưng phải bảo đảm thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại điều kiện LĐ tối thiểu 1 lần trong vòng 3 năm.

Về chế độ, dự thảo Thông tư nêu rõ, người sử dụng LĐ và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ LĐ, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người LĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của Bộ luật LĐ, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh LĐ.

Đối với nghề, công việc tại nơi làm việc thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được người sử dụng LĐ thực hiện các biện pháp loại trừ, giảm thiểu tác động của các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng LĐ tổ chức đánh giá, phân loại lao động và đề xuất về Bộ LĐ-TB&XH để được xem xét.

Trường hợp kết quả đánh giá không còn đặc điểm, điều kiện LĐ đặc trưng của nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm thì người sử dụng lao động không phải thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người LĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm.

Bên cạnh đó, hằng năm Cục An toàn LĐ phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thuộc các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các cơ quan, tổ chức nghiên cứu về an toàn, vệ sinh LĐ thực hiện rà soát, đánh giá Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đề xuất Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi, bổ sung hoặc đưa ra khỏi Danh mục theo quy định tại Điều 22 Luật An toàn, vệ sinh LĐ. Cùng với việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động đánh giá điều kiện LĐ theo quy định của pháp luật.

Đọc thêm