Phân loại người nộp thuế để nâng cao hiệu quả quản lý

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thông qua quản lý tuân thủ (QLTT) thuế, ngành Thuế sẽ phân loại nhóm người nộp thuế (NNT) để có biện pháp quản lý thuế (QLT), từ hỗ trợ, thanh tra, kiểm tra đến việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa: Ngọc Thắng).
Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa: Ngọc Thắng).

Áp dụng công nghệ mới trong quản lý thuế

Thông tin tại Hội thảo “QLTT thuế trong nền kinh tế số” do Tổng cục Thuế tổ chức mới đây cho thấy, trong những năm qua, Tổng cục Thuế đã triển khai và chú trọng đến công tác quản lý rủi ro (QLRR) tuân thủ, bắt đầu với việc ban hành khung pháp lý cho việc áp dụng QLRR trong QLT. Kể từ năm 2019, việc áp dụng QLRR trong QLT hiện được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật QLT số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019; Thông tư 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

Trước yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Thuế đã bắt tay vào nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới dựa trên phân tích dữ liệu lớn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích rủi ro, QLTT pháp luật thuế.

Thời gian qua, ngành Thuế đã tổ chức triển khai hiệu quả công tác thu thập, phân tích dữ liệu hóa đơn điện tử (HĐĐT) nói riêng, dữ liệu QLT nói chung; tổ chức thu thập dữ liệu từ các cơ quan, tổ chức bên ngoài ngành Thuế. Thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu đối soát dữ liệu lớn với HĐĐT, xây dựng chức năng cảnh báo ngưỡng chặn xuất hoá đơn và bước đầu nghiên cứu, áp dụng AI vào phân tích dữ liệu HĐĐT để phát hiện rủi ro giá bất thường, chuỗi mua bán hóa đơn, gian lận hoàn thuế GTGT, phân tích chuỗi mua bán hóa đơn theo từng mặt hàng rủi ro hoặc theo chuỗi quan hệ mua bán của các DN trong nền kinh tế giúp tìm các chuỗi nghi ngờ (mua bán lòng vòng, chỉ mua không bán, chỉ bán không mua, xuất khống hóa đơn,...).

Xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ, đủ mạnh

Theo Tổng cục Thuế, QLTT hiện đại, dựa trên phân tích rủi ro, được xây dựng trên một số yếu tố cơ bản, được phân thành 4 nhóm chính gồm: Xây dựng cơ sở pháp lý; Xác định các tiêu chí rủi ro và phương pháp phân tích rủi ro; Xây dựng các nguyên tắc và quy trình hướng dẫn thực hiện QLRR tuân thủ thuế; Xây dựng hệ thống ứng dụng cơ sở dữ liệu và QLTT thuế.

Trong đó, QLTT dựa trên rủi ro bắt đầu bằng việc xây dựng hệ thống pháp luật chặt chẽ và đủ mạnh. Với việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại sẽ hỗ trợ cơ quan thuế thực hiện phương pháp QLT mới dựa trên phân tích rủi ro này.

Việc ứng dụng CNTT cho phép xử lý nhanh chóng một lượng lớn các thông tin, sàng lọc hiệu quả thông tin dựa vào các tiêu chí rủi ro đã được xác định trước và hỗ trợ việc đưa ra quyết định đối với trường hợp đánh giá là tuân thủ tốt, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.

Trên cơ sở phân tích và đánh giá rủi ro, phân tích tần suất và mức độ vi phạm pháp luật về thuế (nếu có), đánh giá mức độ tuân thủ của NNT, cơ quan thuế tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá rủi ro xác định mức độ quan trọng và tính cấp thiết của việc xử lý rủi ro để đề xuất, kiến nghị áp dụng biện pháp phù hợp xử lý rủi ro.

Về cơ bản, cơ quan thuế thực hiện phân nhóm NNT như sau: Đối với nhóm NNT tự nguyện tuân thủ (rủi ro thấp), sẽ được ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế,… Với nhóm NNT luôn cố gắng tuân thủ (rủi ro trung bình) sẽ được hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể. Những nhóm NNT luôn có xu hướng tránh né, không tuân thủ khi có cơ hội (rủi ro cao) thì cần được thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý chặt chẽ. Và những nhóm NNT hoàn toàn không tuân thủ (rủi ro rất cao) thì phải có các chế tài xử lý phù hợp.

Nhằm bảo đảm việc áp dụng QLRR trong QLT được thực hiện theo lộ trình phù hợp về thời gian, nguồn nhân lực, cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với chiến lược cải cách hành chính nói chung, chiến lược cải cách hệ thống thuế nói riêng, cơ quan thuế xây dựng kế hoạch áp dụng QLRR tuân thủ tổng thể theo định hướng.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, để làm được việc đó, trước hết, cần hoàn thiện hành lang pháp lý về QLTT tổng thể tại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về QLT theo nguyên tắc phân tích rủi ro, QLTT về thuế; Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật QLT, pháp luật về QLTT của NNT nhằm thúc đẩy sự tuân thủ của NNT. Căn cứ vào mức độ tuân thủ của NNT, cơ quan thuế xác định mức độ ưu tiên NNT trong việc kê khai thuế, nộp thuế, thanh tra, kiểm tra thuế, hoàn thuế, sử dụng hóa đơn; ưu tiên về hỗ trợ thuế; tuyên dương NNT;… Có chính sách ưu tiên, hỗ trợ khen thưởng, chế tài xử phạt rõ ràng đối với từng mức độ tuân thủ của NNT theo các cách phân đoạn NNT như trên.

Đọc thêm