Chưa pháp điển văn bản của địa phương
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba cho biết: Sau một thời gian tích cực triển khai Pháp lệnh Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đến nay, Chính phủ chính thức thông qua 36/265 đề mục. Trong số các đề mục thì có đề mục quan trọng là đề mục Đầu tư, bên cạnh đó có những đề mục khác được xã hội rất quan tâm như đất đai, doanh nghiệp...
Nhấn mạnh pháp điển chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật, không làm thay đổi nội dung các quy phạm còn hiệu lực trong Luật, Nghị định, Thông tư nhưng theo ông Ba, bằng việc sắp xếp lại, cấu trúc, mã hóa các điều khoản thì từng lĩnh vực pháp luật sẽ được “gom” lại để đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, người đọc dễ tiếp cận, dễ hiểu. Bên cạnh đó, qua công tác pháp điển và kết quả pháp điển, việc phát hiện những quy định còn chưa đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo khi đặt chúng cạnh nhau cũng thuận lợi hơn để đánh giá, thậm chí kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện.
Ông Ba nêu bật tầm quan trọng, tính thời sự của đề mục đầu tư trong bối cảnh hiện nay khi toàn bộ hệ thống chính trị đang rất quyết tâm, có nhiều hành động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm có thể thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Một trong những điều kiện đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh tốt mà ông Ba quan niệm chính là pháp luật và nhận định rằng hệ thống pháp luật về đầu tư hiện hành cơ bản hoàn chỉnh. Khi tiếp cận với đề mục đầu tư, ông Ba mong muốn người đọc sẽ dần dần sử dụng đề mục thay cho văn bản nguồn cũng như phản hồi nếu phát hiện đề mục đầu tư nói riêng và Bộ pháp điển nói chung có những vướng mắc.
Ngoài ra, ông Ba lưu ý, hiện mới pháp điển văn bản ở Trung ương, chưa tính đến văn bản ở địa phương nên với đề mục đầu tư, trường hợp thấy chính quyền địa phương ban hành những quy định chưa đảm bảo yêu cầu, nhất là tính hợp hiến, hợp pháp như quy định thêm thủ tục hành chính, thêm điều kiện đầu tư kinh doanh, quy định những ngành nghề kinh doanh bị cấm, ngành nghề kinh doanh có điều kiện trái với văn bản cấp trên... thì phản ánh với Bộ Tư pháp và Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có thẩm quyền kiểm tra, xử lý các văn bản của địa phương.
Tư tưởng “chọn bỏ” ảnh hưởng đến quá trình pháp điển
Chia sẻ cụ thể hơn về kết quả pháp điển đề mục đầu tư, Trưởng phòng Pháp điển Nguyễn Duy Thắng cho biết, phạm vi văn bản thực hiện pháp điển vào đề mục bao gồm 1 Luật, 4 Nghị định và 6 Thông tư cùng 12 văn bản thuộc các lĩnh vực khác có liên quan. Thông qua pháp điển này, đây cũng là lần đầu tiên toàn bộ hệ thống các quy phạm pháp luật quy định về hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và hoạt động đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài đang còn hiệu lực được thống kê, tập hợp, sắp xếp vào một chỗ giúp các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân dễ dàng tìm kiếm, tra cứu cũng như bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan chủ trì xác định phạm vi văn bản được pháp điển - khẳng định, hệ thống pháp luật về đầu tư của Việt Nam những năm gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ và liên tục. Một trong những thay đổi cơ bản của Luật Đầu tư hiện hành là cách tiếp cận từ “chọn cho” thành “chọn bỏ”. Theo đó, những lĩnh vực cấm đầu tư kinh doanh, đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định cụ thể tại Luật này. Ngoài những lĩnh vực nói trên, nhà đầu tư được quyền tự do đầu tư kinh doanh mà không bị hạn chế. Đây là tư tưởng quan trọng ảnh hưởng tới quá trình pháp điển hệ thống quy định về cấm đầu tư kinh doanh và đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Vị đại diện này cũng cho rằng nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung các danh mục cấm, hạn chế đầu tư kinh doanh trở thành nhiệm vụ thường xuyên để đảm bảo các danh mục theo kịp sự thay đổi không ngừng của xã hội. Điều đó tạo ra những chuyển biến tích cực trong hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh song cũng làm phát sinh không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, bao gồm cả “sự đấu tranh giữa cái cũ với cái mới, lợi ích của người quản lý với người bị quản lý”.