Pháp luật, đạo đức phải bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của con người

(PLVN) - GS.TS Hoàng Thị Kim Quế cho rằng, tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, lối sống phù hợp đạo đức cũng phải gắn liền với việc đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của con người.
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Chiều 29/12, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức Hội thảo khoa học “Pháp luật, nhà nước, đạo đức và văn hóa”.

Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật (ĐHQGHN) Trịnh Tiến Việt cho biết, Nhà trường đã tổ chức rất nhiều hội thảo chuyên môn, gần đây nhất là Hội thảo triển khai Nghị quyết số 27 của Trung ương và Hội thảo lần này cũng thu hút sự quan tâm, tham gia của các chuyên gia pháp lý hàng đầu với 23 báo cáo, tham luận. Thay mặt Ban Giám hiệu, cảm ơn các chuyên gia pháp lý đã viết bài và dự Hội thảo, ông Trịnh Tiến Việt nhấn mạnh, đây là chủ đề rất rộng, bao trùm, mang tính liên ngành nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và cũng tạo ra tập quán văn hóa mới trong cộng đồng học thuật của Nhà trường là trân trọng đóng góp của những người đi trước.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, GS.TS Hoàng Thị Kim Quế nhấn mạnh, chúng ta đang sống, làm việc trong bối cảnh xã hội có rất nhiều thay đổi, biến động. Thực tiễn cuộc sống, thực tiễn nhà nước, pháp luật, đạo đức, văn hóa đã và đang chịu sự tác động mạnh mẽ, nhiều đổi thay, nhiều cơ hội và thách thức.

GS.TS Hoàng Thị Kim Quế báo cáo đề dẫn Hội thảo.

GS.TS Hoàng Thị Kim Quế báo cáo đề dẫn Hội thảo.

Bản thân pháp luật, nhà nước, đạo đức và văn hóa chịu tác động của thời cuộc và cả chính các mối quan hệ truyền thống giữa pháp luật, nhà nước, đạo đức và văn hóa cũng chịu sự tác động và thay đổi nhất định cho phụ hợp trong điều kiện nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và khu vực. Giới luật học đã có nhiều đóng góp tích cực, có giá trị trong xây dựng chính sách, pháp luật, hoàn thiện bộ máy nhà nước và quản trị quốc gia. Trên phương diện nghiên cứu khoa học pháp lý và sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực pháp lý, đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu chuyên sâu về pháp luật, nhà nước, đạo đức và văn hóa cả ở cấp độ lý luận pháp lý cơ bản cả ở cấp độ các lĩnh vực pháp luật, nhà nước chuyên ngành.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội, thực tiễn pháp lý, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng về pháp luật, nhà nước, đạo đức và văn hóa, kế thừa truyền thống và cập nhập lý thuyết hiện đại để phù hợp bối cảnh hiện nay. Đó cũng chính là sự đóng góp vào thực hiện đường lối của Đại hội Đảng lần thứ XIII về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, lối sống phù hợp đạo đức, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc.

Điểm nhấn nổi bật của Hội thảo này là chia sẻ các nghiên cứu, ý tưởng về các mối quan hệ giữa pháp luật, đạo đức, nhà nước và văn hóa nói chung, văn hóa pháp luật nói riêng; triển khai cách tiếp cận đa ngành, liên ngành từ phương diện triết học pháp luật, lý luận pháp luật, lịch sử, tư tưởng, học thuyết pháp luật và xã hội học pháp luật, sự thể hiện các khía cạnh đạo đức, văn hóa trong đời sống nhà nước và pháp luật. Hội thảo cũng là dịp tri ân những cống hiến của GS.TS Hoàng Thị Kim Quế trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo luật học nước nhà.

Đọc thêm