Pháp luật đầu tư, kinh doanh: Không gian cải cách còn rất lớn!

(PLVN) - Phát biểu tại Phiên họp Chính phủ về xây dựng pháp luật hôm 5/8, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc đã chỉ ra gần 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. Ông khẳng định, không gian cho cải cách môi trường đầu tư (ĐT) kinh doanh (KD) vẫn còn rất lớn!
Việc xung đột, chồng chéo pháp luật tác động lớn đến các dự án ĐT, tăng chi phí của DN… Ảnh minh họa
Việc xung đột, chồng chéo pháp luật tác động lớn đến các dự án ĐT, tăng chi phí của DN… Ảnh minh họa

Chưa thực sự thông thoáng

Khẳng định Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường ĐTKD, đặc biệt, ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về chương trình phát triển doanh nghiệp (DN) cho cả nhiệm kỳ, Chính phủ cũng thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ loạt Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường KD và nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên người đứng đầu cộng đồng DN Việt Nam thẳng thắn cho rằng: “Việc cắt giảm và đơn giản hoá các điều kiện ĐTKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được triển khai trong những tháng cuối năm ngoái và đầu năm nay, nếu được triển khai một cách thực chất, đây sẽ là một dấu ấn đột phá!”.

Theo Chủ tịch VCCI, một trong những bất cập lớn được các địa phương và DN phản ánh hiện nay là tình trạng chồng chéo, xung đột của rất nhiều các quy định pháp luật. Điển hình nhất là sự chồng chéo, xung đột giữa các đạo luật với nhau, giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa văn bản hướng dẫn luật này và văn bản hướng dẫn luật khác. Ông đã liệt kê 20 điểm xung đột, chồng chéo lớn của pháp luật về ĐT, đất đai, xây dựng, môi trường, đấu thầu. 

“Việc xung đột, chồng chéo này tác động lớn đến các dự án ĐT, không rõ các trình tự để thực hiện các thủ tục cũng như không rõ quan hệ của các đạo luật (“con gà hay quả trứng có trước”). Điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội ĐT, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động KD…”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Cụ thể, về phía DN, khi làm thủ tục, đối tượng này phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính trùng lặp, đi lại mất nhiều thời gian, nộp nhiều loại hồ sơ giống nhau cho các cơ quan nhà nước khác nhau dẫn đến chi phí giao dịch rất tốn kém. Trong quá trình thực thi, DN phải tiếp nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra từ các cơ quan khác nhau nhưng lại có nội dung trùng nhau. 

“Không chỉ các dự án luôn đối mặt với tình trạng đình trệ, phát sinh chi phí mà rủi ro nhất đối với DN là nguy cơ vi phạm pháp luật. Nhiều trường hợp DN không biết phải thực hiện theo quy định nào, thực hiện quy định này thì lại vi phạm quy định kia…”, Chủ tịch VCCI lưu ý.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sự chồng chéo, xung đột giữa các quy định pháp luật khiến các cơ quan thực thi chính sách trở nên lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho DN. “Tâm lý sợ rủi ro, sợ sai rất phổ biến trong bộ máy nhà nước từ thực trạng chồng chéo, xung đột pháp luật này. Có tình trạng ở nhiều địa phương và thậm chí ở các bộ, ngành hiện nay là không dám giải quyết công việc, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khiến hoạt động ĐT KD bị đình trệ, chậm tiến độ và nhiều việc phải đẩy lên đến cấp Thủ tướng, cấp Chính phủ. Việc chậm trễ trong việc giải ngân vốn ĐT công thời gian qua là một ví dụ điển hình”, Chủ tịch VCCI phát biểu.

Một luật sửa nhiều luật

Để khắc phục tình trạng này, VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tiến hành rà soát, đánh giá thực tế quy mô và toàn diện về thực trạng, thực tế xung đột pháp luật, đưa ra các giải pháp cụ thể để lồng ghép vào chương trình hành động chung của Chính phủ để sửa các luật hiện đã có trong chương trình các kỳ họp tới.

Chính phủ ban hành hoặc trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để có định hướng sửa đổi chung; Đồng thời chỉ đạo việc phối hợp làm việc, chia sẻ thông tin và thống nhất định hướng giữa các ban soạn thảo tại các bộ, ngành để tháo gỡ và ngăn ngừa chồng chéo, xung đột trong các dự thảo luật hiện đang nằm trong chương trình sửa đổi như Luật ĐT, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai…

Để rút ngắn thời gian, tháo gỡ ách tắc với những văn bản khác chưa giải quyết được trong các luật đã nằm trong chương trình sửa đổi, VCCI cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội triển khai theo cách thức dùng một luật sửa nhiều luật liên quan đến ĐTKD và hoạt động của DN.

“Chúng tôi cũng đề nghị cần có một tổ chức độc lập đứng ra giúp Chính phủ chủ trì rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực này. Hạn chế tình trạng “quyền anh, quyền tôi” và đưa ra được các giải pháp đột phá trong cải cách các thủ tục liên ngành. Ở  các bộ ngành, chúng tôi cũng đề nghị, nên giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, chính sách cho một tổ chức độc lập thuộc Bộ (Ví dụ: Vụ Pháp chế, Viện thuộc Bộ…) chứ không nên giao cho các Vụ, Cục đang đảm nhận nhiệm vụ thực thi pháp luật, xét duyệt và cấp phát các loại giấy phép. Việc tách hoạt động xây dựng chính sách thuế ra khỏi Tổng cục Thuế của Bộ Tài chính là một thực tiễn tốt có thể tham khảo”, Chủ tịch VCCI đề nghị.

Đọc thêm