Nhiều đề xuất mới trong xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật thời 4.0

(PLVN) - Tại Hội thảo khoa học cấp Quốc gia "Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam" diễn ra ngày 24/6, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp quan trọng.


* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống

Đối với mô hình kinh doanh mới trên nền tảng công nghệ mà chúng ta gọi là kinh tế chia sẻ thì thiếu chính sách liên quan như phân định trách nhiệm của các bên; vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm; còn thiếu các cơ chế, chính sách, quy định quản lý lĩnh vực thuế để có thể giám sát hiệu quả; thiếu các quy định về an toàn, an ninh mạng…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Để xây dựng một khung khổ pháp luật đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho các mô hình kinh doanh mới vốn là một đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng là thách thức chung của nhiều quốc gia trên toàn cầu, một số kiến nghị cụ thể là: Chính phủ cần xây dựng kế hoạch hành động về việc xây dựng và hoàn thiện thể chế cho mô hình kinh doanh mới theo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thúc đẩy hình thành hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo; Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa mô hình kinh doanh mới và kinh tế truyền thống theo hướng rà soát, bãi bỏ các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với lĩnh vực kinh doanh truyền thống để thích nghi với sự da dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó có kinh tế chia sẻ; Ở các lĩnh vực tiềm năng rủi ro cao (tài chính, ngân hàng…) cần xây dựng khung thể chế thí điểm để các doanh nghiệp hoạt động thử nghiệm, dần dần hoàn thiện công nghệ và đáp ứng các yêu cầu quản lý; Sớm sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp…

* Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan: Phải lấy người dùng làm trung tâm

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội rất lớn trong ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, vận hành Chính phủ điện tử. Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, cần triển khai 4 nhóm giải pháp là tiếp tục nâng cao nhận thức về yêu cầu chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước; hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số; hoàn thiện nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; ứng dụng công nghệ tiên tiến của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, phục vụ người dân, doanh nghiệp được tốt hơn.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan
Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) Ngô Hải Phan
Có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như vai trò sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, đi đầu trong ứng dụng công nghệ tiên tiến; cơ chế bảo đảm thực thi, nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu trong triển khai các chương trình xây dựng Chính phủ điện tử là yếu tố quyết định; thể chế nhất thiết phải đi trước một bước để tạo lập hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số trong thời đại kỹ thuật số; lấy người dùng làm trung tâm trong điều hành dựa trên dữ liệu số…

* Trưởng ban Chiến lược (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) Nguyễn Việt Dũng: Nhanh chóng hoàn thiện một số vấn đề pháp luật hạ tầng số

Hiện nay chúng ta chưa có các quy định pháp lý về chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng thông tin dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa cơ quan nhà nước với người dân và doanh nghiệp; thiếu các quy định pháp lý về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thư số cho các giao dịch trên môi trường mạng, đặc biệt khi cung cấp dịch vụ hành chính công, các dịch vụ do ngân hàng ủy thác, trung gian thanh toán…; thiếu các quy định pháp lý về văn thư lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lý của các văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán; thiếu các quy định về khai thác, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trưởng ban Chiến lược (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) Nguyễn Việt Dũng
Trưởng ban Chiến lược (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội) Nguyễn Việt Dũng
Xuất phát từ những hạn chế nêu trên, chúng tôi kiến nghị, đề xuất nhanh chóng hoàn thiện một số vấn đề pháp luật hạ tầng số trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 như thiết lập và tăng cường xây dựng các quy định mang tính pháp lý, các chính sách nền tảng cho xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; hoàn thiện pháp luật về xác thực cá nhân, tổ chức, chứng thư số cho các giao dịch trên môi trường mạng; hoàn thiện pháp luật về văn thư, lưu trữ điện tử, về giá trị pháp lý của văn bản điện tử trong giao dịch hành chính, thanh toán; hoàn thiện pháp luật về khai thác, bảo vệ dữ liệu cá nhân. 

Đọc thêm