Bảy năm qua, kể từ khi lập lại Bộ Tư pháp, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ, vừa xây dựng, củng cố tổ chức trong điều kiện còn ít cán bộ được đào tạo theo chuyên môn pháp lý, ngành Tư pháp đã từng bước trưởng thành, khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình trong việc giúp đỡ Hội đồng Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật.
Tôi nhiệt liệt biểu dương những cố gắng và thành tích của các đồng chí.
Từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, với đường lối đổi mới sâu sắc và toàn diện, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và biện pháp cụ thể nhằm thực hiện dân chủ hóa mọi mặt đời sống xã hội, tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước. Chúng ta cũng đã có nhiều biện pháp nhằm từng bước xây dựng một cơ chế quản lý kinh tế theo hướng chuyển mạnh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh tính chủ động của các đơn vị, trên cơ sở tăng cường, quản lý vĩ mô nền kinh tế quốc dân, kiên quyết khắc phục cơ chế hành chính, quan liêu, bao cấp.
Đường lối đổi mới của Đảng bước đầu đã tạo ra được một bầu không khí dân chủ, khơi dậy những tiềm năng sản xuất, những tiềm năng khác của đất nước, của tất cả các thành phần kinh tế. Trong từng lĩnh vực, Nhà nước ta đã ban hành được những văn bản pháp luật cần thiết nhằm thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng.
Với ý nghĩa đó, các bộ luật hình sự, tố tụng hình sự, luật hôn nhân và gia đình, luật đầu tư nước ngoài, luật quốc tịch, pháp lệnh kế toán và thống kê, pháp lệnh về chuyển giao công nghệ nước ngoài vào Việt Nam và một số pháp luật khác mới được ban hành phải được coi là những nỗ lực đáng khích lệ của quá trình xây dựng pháp luật, trong đó có sự đóng góp của các cơ quan pháp luật và tư pháp.
Tuy nhiên, hai năm thực hiện đường lối của Đại hội VI cũng đã cho thấy nhiều nhược điểm trong sự chỉ đạo thực hiện và trong việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, chức năng, quyền hạn của các cơ quan Đảng và Nhà nước chưa được phân định thật rõ. Còn thiếu nhiều văn bản pháp luật cần thiết nhằm tạo cơ sở cho Nhà nước thực hiện chức năng kiểm soát và quản lý vĩ mô, nhằm thể chế hóa tư tưởng “lấy dân làm gốc” về mặt kinh tế cũng như các mặt khác, làm cho người dân thực sự làm chủ đất nước, địa phương, xí nghiệp, hợp tác xã của mình. Việc xây dựng pháp luật còn chậm, không theo kịp yêu cầu của lãnh đạo và của nhân dân, nhất là về pháp luật kinh tế.
Thực tiễn sinh động của xã hội đang đòi hỏi phải đổi mới hệ thống pháp luật, trong đó có việc thay đổi nội dung các pháp luật đã cũ của Nhà nước, xây dựng các pháp luật mới. Tôi muốn gợi một số hướng sau đây để các đồng chí nghiên cứu và tham khảo.
Để quản lý kinh tế và xã hội theo cơ chế mới, phải có hệ thống chính trị phù hợp.
Trước hết, phải xây dựng các pháp luật nhằm bảo đảm quyền lực và sự hoạt động của Nhà nước, bảo đảm dân chủ xã hội chủ nghĩa trên cơ sở lấy dân làm gốc. Theo hướng này, việc sửa đổi và xây dựng lại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là cần thiết. Pháp luật cũng cần phải kịp thời sửa đổi nhiều mặt công tác khác của các cơ quan nhà nước, trong đó có hoạt động quản lý hành chính và kinh tế của Hội đồng Bộ trưởng, các bộ, các ngành.
Hiện nay, tính công khai, dân chủ, ý thức về công bằng xã hội đang được xây dựng, tạo thành những động lực mạnh mẽ cho quá trình đổi mới. Vai trò của công luận, của các phương tiện thông tin đại chúng được đề cao, có tác dụng xây dựng dư luận xã hội, lành mạnh, tạo điều kiện cho việc phòng và chống các hiện tượng tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội khác.
Toàn bộ quá trình công khai, dân chủ đó phải được thể hiện bằng pháp luật, tạo điều kiện cho nhân dân thực sự thực hiện quyền làm chủ của mình, pháp luật phải quy định rõ giới hạn, quyền hạn, mức độ trách nhiệm của các cơ quan thông tin đại chúng và các hình thức ngôn luận, thủ tục giải quyết, trình tự sai đúng, những vấn đề còn tranh chấp trên báo chí…. Cũng theo phương hướng này, ta cần xây dựng những văn bản pháp luật về các tổ chức xã hội, đoàn thể và hiệp hội tự nguyện của quần chúng.
Hiện nay, các luật về công đoàn và thanh niên đang được xây dựng; nhưng cũng cần có những luật khác có mức độ tổng hợp hơn, đầy đủ hơn về hoạt động của các tổ chức quần chúng. Cùng với các luật về tổ chức, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, các văn bản đó sẽ tạo ra những bảo đảm pháp lý vững chắc cho sự đổi mới hệ thống chính trị của chúng ta, bảo đảm cho quá trình dân chủ hóa triển khai mạnh mẽ cả về bề rộng và chiều sâu, cho nhân dân lao động tham gia có hiệu quả vào việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Hướng quan trọng thứ hai của công tác xây dựng pháp luật là xây dựng một hệ thống các văn bản pháp luật và pháp quy trong quản lý kinh tế. Ở đây, tôi muốn nói pháp luật kinh tế theo nghĩa rộng của nó, bao gồm các lĩnh vực pháp luật về dân sự, về kinh tế, về hành chính, tài chính, thuế khóa, lao động, đất đai, sở hữu…
Pháp luật của Nhà nước ta cần xuất phát từ tinh thần cơ bản của Đại hội VI của Đảng mà trước hết là từ nhu cầu hình thành một nhu cầu quản lý nền kinh tế hàng hóa có kế hoạch, bao gồm nhiều thành phần theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện dân chủ trong quản lý kinh tế, trong quản lý xí nghiệp, quản lý hợp tác xã… là thiết thực và quan trọng nhất. Việc xây dựng những văn bản pháp luật như vậy sẽ có tác dụng to lớn, đã đẩy mạnh sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tạo ra tiền đề về kinh tế cho quá trình dân chủ hóa.
Hướng thứ ba của hoạt động xây dựng pháp luật là kiện toàn hệ thống các cơ quan pháp luật, các cơ quan tư pháp, Tòa án, pháp chế ngành, để các cơ quan này thật sự trong sạch, vững mạnh, có đủ năng lực tham gia bảo vệ có hiệu quả lợi ích của nhân dân, của tập thể, của Nhà nước, bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa và kỷ cương xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, hạn chế và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tội phạm và các tệ nạn xã hội khác.
Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/01/1989 là cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động tư pháp và cũng đòi hỏi, thúc đẩy sự đổi mới của hệ thống tư pháp. Tôi mong rằng các đồng chí tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác luật sư, công chứng nhà nước, giám định tư pháp, hộ tịch, hợp tác tư pháp quốc tế… Toàn ngành Tư pháp hãy đi sâu vào kinh tế-xã hội, nâng cao hiểu biết và năng lực về pháp chế kinh tế.
Xây dựng pháp luật phục vụ cho hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta cũng là một hướng quan trọng của việc làm luật. Những nỗ lực của các giới pháp lý cần dựa trên những hiểu biết đường lối, quan điểm của Đảng ta về các vấn đề quốc tế, về chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, về thực tiễn và kinh nghiệm của nước ta trong các hoạt động hợp tác kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa và với nước khác…
Trên đây, tôi nêu lên một số phương hướng chỉ đạo của công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp phối hợp với Ủy ban pháp luật của Quốc hội cần sớm lập được một chương trình xây dựng pháp luật dài hạn, có phân ra từng bước cụ thể phù hợp với yêu cầu và khả năng thực tế, phấn đấu đưa công tác xây dựng pháp luật đi dần vào nền nếp, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ chung. Xây dựng pháp luật là một hoạt động gắn liền với nhu cầu thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, lợi ích thiết thực của các tầng lớp nhân dân.
Do đó, xây dựng pháp luật không thể chỉ là thể chế hóa đơn thuần những cái sẵn có một cách thụ động. Các giới luật học, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội khác cũng như các cán bộ quản lý phải chủ động tham gia thiết thực vào việc nghiên cứu, xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong việc xây dựng pháp luật, chúng ta cần tranh thủ tới mức tối đa, đưa ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể quần chúng và của nhân dân.
Cần phải soạn thảo một trình tự khoa học về xây dựng pháp luật, sao cho các văn bản pháp luật có căn cứ khách quan, khoa học, có nội dung rõ ràng, chính xác, phù hợp với đất nước và xã hội ta, với quan điểm đổi mới của Đảng ta.
Vấn đề củng cố, kiện toàn các cơ quan pháp luật, trong đó có cơ quan tư pháp, đang được Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu. Trước mắt, cần khẩn trương xây dựng quy chế đoàn luật sư.
Cùng với việc xây dựng pháp luật, các đồng chí cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật cho cán bộ, nhân dân, các cơ quan tư pháp cần cộng tác với các ngành, các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Bộ Tư pháp cần nhanh chóng đào tạo các cán bộ pháp lý có phẩm chất tốt, có trình độ cao, đáp ứng được những nhiệm vụ của giai đoạn tới.