Pháp luật, từ nghị trường đến cuộc sống

(PLO) -Tuần qua, những hoạt động nghị trường như thẩm định báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội hay bàn thảo sửa đổi luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xuất hiện những ý kiến mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ảnh rõ ràng thực trạng của đời sống pháp luật đang diễn ra trên đất nước, từ đó mà tính đến sự phù hợp, tính khả thi của các văn bản pháp luật, đặc biệt là việc thực thi pháp luật thế nào cho hiệu quả.
Hình minh họa
Hình minh họa

Những câu hỏi được đặt ra và chỉ khi nào có câu trả lời xác đáng thì pháp luật mới được thực thi một cách nghiêm minh. Ví dụ, đứng đằng sau những Vũ “nhôm”, Út “trọc” là ai, người nào đã nâng đỡ và tạo “bình phong” cho những tội phạm loại này hoạt động một cách “vô thiên, vô pháp” như vậy? Hoặc, tài sản mà các quan tham tạo dựng cho “chân dài” sao chưa bị phát hiện? Kê khai tài sản chỉ là hình thức mà mãi không trở thành một công cụ kiểm soát tài sản hữu hiệu, ngăn ngừa tham nhũng?

Trong khi đó, ngoài xã hội vẫn ngổn ngang “di sản” của nhiệm kỳ trước để lại và công việc dọn dẹp vẫn chưa thể kết thúc. Sau việc phải “mua lại” sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) là việc phải “lấy lại” cổ phần nhà nước sau khi đã bán rẻ Cảng Quy Nhơn (Bình Định) cho tư nhân và Tiền Giang đang đau đầu tìm cách “hoàn vốn” cho BOT Cai Lậy, chưa kể đến rất nhiều khó khăn, trở ngại khi “đòi lại” tài sản tham nhũng sau khi bản án đã tuyên.

Tuần này, việc bắt bớ cũng diễn ra hơi nhiều. Công an TP HCM phá một đường dây bán dâm cao cấp và bắt giữ “tú ông” 22 tuổi. Công an Quảng Ninh bắt giữ nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trưởng ban quản lý công trình công ích TP Hạ Long trong một vụ án đánh bạc. Công an Bắc Giang bắt một Thẩm phán vòi tiền hối lộ để “chạy án” theo khởi tố của cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao.

Đà Nẵng bắt  nhóm cho vay “cắt cổ” và Khánh Hòa bắt hai đối tượng bịt mặt nổ súng cướp ngân hàng hơn 3 tỷ đồng. Một nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp ở Bến Tre bị khởi tố và Lạng Sơn bắt đôi vợ chồng doanh nghiệp vay hơn 10 tỷ đồng ở Đắk Lắk rồi bỏ trốn.

Việc lập quỹ đen tại Cục Đường thủy nội địa gần 5 tỷ đồng nhận từ các nhà thầu có dấu hiệu hối lộ bị Thanh tra kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an. Tại huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) một đối tượng lao xe vào trụ sở và đánh trọng thương Hạt trưởng Kiểm lâm ở đây, đối tượng này là một “chủ gỗ” đã từng đe dọa cả lãnh đạo huyện, tuy nhiên, chưa bị bắt mà chính quyền địa phương đã chỉ đạo Công an huyện “gọi hỏi để làm nghiêm”(?!).

Chỉ nội một tuần thôi nhưng những gì xảy ra trong đời sống pháp luật của cả nước thật đáng quan tâm và cả lo ngại nữa!

Đọc thêm