Kê khai nhằm mục đích gì?

(PLO) -Một trong những nội dung “đau đầu” của phiên thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách sáng 6/9 là kê khai tài sản (KKTS) của cán bộ khi bàn dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi).
Hình minh họa
Hình minh họa

Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội nhận định, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ có chức, quyền thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật PCTN hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ KKTS, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp KKTS, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải KKTS, thu nhập là rất lớn?

Lần đầu tiên, dẫu “rón rén” nhưng UBTV Quốc hội nêu vấn đề: Quốc hội muốn sỹ quan quân đội, công an cũng phải KKTS. Lạ kỳ đến thế? Sỹ quan quân đội và công an có phải ăn lương do người dân trả không? Quân đội và Công an có phải là “chính quyền” riêng có Hiến định và pháp định riêng không?

Rõ ràng là không? Tại sao các sỹ quan có chức, quyền của 2 ngành này “ngoài lề” quy định chung của pháp luật? Nói như thế để thấy rằng, ngay về quan điểm PCTN của chúng ta đang có “vấn đề”.

KKTS của cán bộ có chức, có quyền nhằm mục đích gì? Không có mục đích nào cao hơn, trước là để bảo vệ chính cán bộ có chức quyền, sau là vì một chính quyền “liêm chính” của dân, do dân, vì dân.

Người viết bài này cũng là đối tượng phải KKTS, nên xin nói thật, việc KKTS lâu nay quá hình thức. KKTS những gì, đến đâu tùy thuộc vào lương tâm, tự giác của người phải KKTS và bản KKTS cũng chỉ trong ngăn kéo của những cơ quan quản lý KKTS. “Bản kê khai” không hề được công khai theo quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Nhà nước hướng dẫn thi hành các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập.

Mãi mãi còn câu hỏi: “Tài sản của Vũ Nhôm nằm trong túi ai” như có vị đã nêu lên tại phiên họp của UBTV Quốc hội. Và nữa, Trịnh Xuân Thanh vẫn KKTS đấy chứ? Thậm chí “mẫu mực” về KKTS. Quan điểm nhân dân trong PCTN ai cũng nói rất hay, không dựa vào dân đấu tranh chống tội phạm nói chung trong đó có tham nhũng rất khó khăn, ai cũng thuộc làu lý thuyết này, thậm chí trích dẫn kinh điển làu làu.

Nhưng xin thưa, một bộ phận cán bộ có chức, có quyền thường nhà cổng cao, tường kín, nhân dân trong khu vực dân cư rất ít thấy họ mở cửa, đi bộ trên vỉa hè, trong khu phố... thì “giám sát” cái gì? Nói tóm lại, người dân rất khó biết về cán bộ có chức, có quyền. Nên nếu cơ quan quản lý cán bộ có chức, có quyền chỉ làm “hình thức", chiếu lệ nhằm viết báo cáo thì không thể giám sát được tài sản của cán bộ như quy định. 

Ai xác minh, xử lý sai phạm trong KKTS của cán bộ có chức, có quyền? Câu hỏi lớn chưa thể có câu trả lời.

Hiện nay UBTV Quốc hội đang đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý theo hướng giao cho Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành, thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của người kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình. Xin thưa, nói thêm một câu: không công khai với dân thì KKTS mãi mãi chỉ là hình thức.