Cô giáo cắm bản buôn 70 bánh heroin chờ ngày lĩnh án tử

(PLO) - Vì điều kiện kinh tế quá khó khăn và một chút mềm lòng vì lợi nhuận khủng từ việc xách ma túy lấy tiền công.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Chuyện buồn của cô giáo “cắm bản”

Nữ tử tù Nguyễn Hoài Thu (SN 1980) đang thụ án tại trại tạm giam Công an Nghệ An. Gặp Thu trong khu vực tạm giam dành cho nữ, người phụ nữ với khuôn mặt ưa nhìn, giọng nói và dáng người đều rất dễ gần. 

Thu không ngần ngại kể về quá khứ lầm lỗi của mình, sinh ra trong gia đình gia giáo, tốt nghiệp đại học ngành sư phạm, theo chồng về quê chồng để lập nghiệp tại huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An).

Cuộc sống gia đình không trọn vẹn, sau thời gian sinh đứa con đầu lòng thì hai người ly dị. Một mình Thu ôm con bé bỏng lên làm giáo viên một xã vùng biên giới  Quế Phong. Cuộc sống những ngày đầu của người phụ nữ trẻ một mình chăm con vừa phải đi làm với muôn vàn khó khăn.

Để có đủ tiền trang trải, Thu cũng đã mở quán cơm bụi, rồi quán phở và tiệm Internet… nhưng đều “không có duyên” buôn bán nên cũng sớm nghỉ kinh doanh. 

Những vị khách đến ăn cơm tại quán cơm trước đó của Thu biết được hoàn cảnh khó khăn của hai mẹ con đã rủ rê Thu vào con đường tội lỗi. Vì điều kiện kinh tế quá khó khăn và một chút mềm lòng vì lợi nhuận khủng từ việc xách ma túy lấy tiền công.

Định bụng chỉ làm một vài chuyến đủ tiền xây căn nhà cho hai mẹ con sống và làm việc rồi nghỉ. Nhưng đường dây ma túy bị cảnh sát theo dõi từ lâu, đồng bọn trong đường dây bị bắt giữ khi đang giao dịch.

Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của cô giáo Thu được thực hiện, 70 bánh heroin là cái mà cảnh sát thu giữ được. 5 bản án tử hình cho đường dây vận chuyển 225 bánh heroin, Thu phải chịu trách nhiệm 70 bánh heroin đã khép lại cuộc đời của cô giáo sau hai phiên tòa xét xử. 

Được đưa vào thụ án tại Trại tạm giam công an Nghệ An với bản án tử hình, những ngày đầu nữ tử tù đã không còn thiết tha được sống mà muốn được chết đi ngay lập tức. Nhưng được sự động viên của cán bộ trại tạm giam, Thu đã dần lấy lại được thăng bằng và chú tâm cải tạo tốt. “Mình làm khổ bố mẹ, làm khổ con quá nên khi biết mình kháng cáo không được đã muốn chết đi cho xong. Nhưng cán bộ quản giáo, ban giám thị Trại tạm giam động viên, mình vững vàng hơn. Mình gây tội, phải đền tội, không được né tránh”, Thu tâm sự. 

Hướng thiện chốn biệt giam

Nhận bản án tử hình, có nghĩa là Thu đang đếm ngược từng ngày được sống. Thu cố gắng cải tạo thật tốt để có thể nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Cũng nhờ nỗ lực của mình được ghi nhận, trại giam đã cho phép Thu được gọi điện thoại về gặp con trai mỗi tháng.

“Ngày bị bắt, con trai đang bé, giờ cháu được về sống với ông bà ngoại, đang lứa tuổi dậy thì nên cũng nhiều cám dỗ nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc. Chị gọi điện về dặn dò con phải làm được người tử tế…”, Thu kể.  

Giờ đây, người nữ tử tù này cũng rất lạc quan dù đang đếm từng ngày đang được nhìn thấy ánh sáng, Thu nhờ cán bộ quản giáo mượn sách Tiếng Anh để tự học, bảo nếu đơn xin ân giảm được Chủ tịch Nước chấp nhận, khi đi thi hành án ở trại giam, sẽ dạy tiếng Anh có các phạm nhân khác. Thời gian rảnh nếu không phải lao động cải tạo, không học tiếng Anh thì Thu lại tụng kinh, niệm phật. “Có như thế thì chị mới được thanh thản trong tâm hồn và khiến chị tĩnh tâm hơn. Chị nghĩ về những điều tích cực, những điều tốt đẹp để mình không buông xuôi. Cuộc đời ngắn lắm mà chị lại phí phạm nó quá nhiều…”, Thu tâm sự.

Trong một lần tình cờ đọc được một bài báo trên báo về hoàn cảnh đáng thương của một cháu bé N.V.H (ở huyện Đô Lương) cha bị tâm thần, mẹ không chịu được khổ cực đã bỏ đi, H. thiếu đi sự chăm sóc, yêu thương của đấng sinh thành. Nguyễn Hoài Thu chia sẻ, “Đọc được hoàn cảnh của H. qua báo, chị nghĩ tới con trai chị.

Bản năng của người mẹ thôi thúc chị phải làm cái gì đó để san sẻ những khó khăn, vất vả và buồn tủi của bé H. Biết Trại tạm giam sẽ đến thăm và tặng quà cho bé H. chị mạnh dạn đề xuất với cán bộ Liên xin được góp một tay giúp bé H. và được Ban đồng ý. Nhận được lá thư của H. dù chỉ mấy dòng thôi nhưng chị đã khóc, khóc vì vui, vì xúc động”.

Số tiền 3 triệu đồng được trích từ số tiền ăn lưu ký gia đình gửi cho Thu được trao tận tay cháu bé không phải là nhiều, nhưng nó rất cần thiết cho một đứa trẻ như cháu H. Nữ tử tù vẫn ngày ngày phấn đấu cải tạo tốt, những lá thư gửi Chủ tịch nước được gửi đều mỗi tháng nhưng vẫn chưa được hồi âm.

Dù không biết mình có thoát được bản án tử hình hay không, nhưng với Thu giờ đây sống được ngày nào thì đó là một ngày phải làm được điều có ích cho đời. Thu nói, “Dù không biết có ngày mai hay không nhưng chị sẽ cố gắng sống, cố gắng suy nghĩ tích cực để mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa. Cuộc đời ngắn lắm, đừng để phí phạm cuộc sống của mình vào những ước muốn, dục vọng của bản thân để rồi đẩy người khác và chính mình vào con đường không lối thoát. Những ai còn muốn và đã sa chân vào ma túy xin hãy thức tỉnh. Chị muốn nhắn với những người ở ngoài như thế”.

Đọc thêm