Giám định “bó tay”, Tòa vẫn xác định được giá!

(PLO) - Do không thu hồi được số “hàng hiệu” đã bị cướp giật nên Hội đồng định giá phải “bó tay” vì không định giá được tài sản, tuy nhiên, Hội đồng xét xử (HĐXX) vẫn căn cứ vào lời khai của người bị hại xác định các bị cáo có hành vi cướp giật tài sản có giá trị trên 800 triệu đồng và tuyên phạt bị cáo Lê Văn 17 năm tù, Đặng Văn Hưng 16 năm tù về tội “Cướp giật tài sản” theo Khoản 4 Điều 136 BLHS. 
Cướp giật 1 túi xách, vớ được 5 điện thoại
Theo đó, vào sáng 3/9/2013, Lê Văn Thiện  (SN 1993, trú tại huyện Thanh Oai, Hà Nội) chở Đặng Văn Hưng (SN 1991, cùng địa chỉ) bằng xe máy SH màu trắng (tháo Biển kiểm soát) lượn lờ ở khu vực Mỹ Đình để tìm người có sơ hở thì “ra tay”. 
Đến khoảng 8h30, cả hai phát hiện một phụ nữ đang đi bộ đang đi bộ dưới lòng đường Mễ Trì, theo hướng ngược lại (sau này được xác định là chị M., lúc đó đang đi bộ cùng chồng) có kẹp một ví màu đen bên nách trái, Thiện liền điều khiển xe máy áp sát để Hưng ngồi sau giật mạnh rồi phóng xe bỏ chạy. 
Khi đến đại lộ Thăng Long, cả hai dừng xe, lục túi thì thấy bên trong có 2 chiếc điện thoại di động hiệu Vertu (1 chiếc màu đen, chiếc màu ghi), 1 điện thoại Iphone5 màu trắng, 1 điện thoại Mobiado màu vàng, 2 điện thoại Nokia 1280 cùng khoảng 20 triệu đồng tiền mặt. 
Tuy nhiên, Hưng, Thiện chỉ lấy tiền mặt và 4 chiếc điện thoại, còn 2 chiếc ví và 2 chiếc điện thoại Nokia thì chúng vứt lại trên đường về nhà. Sau đó, Thiện đã bán chiếc điện thoại Vertu màu đen được 30 triệu đồng, bán chiếc màu ghi được 23 triệu đồng. Riêng chiếc điện thoại Mobiado màu vàng, Hưng sợ bị bắt nên đã mang đi vứt bỏ ở đường Lê Văn Lương.
Sau đó hơn một tháng, vào chiều 9/10/2013, Thiện và Hưng quay lại khu vực cũ để thực hiện cướp giật. Khi đến trước bãi đỗ xe ô tô Khu đô thị Mỹ Đình, Thiện phát hiện chị Nguyễn Kim O. đang đi bộ ở ven đường, tay cầm túi xách nên cho xe ép sát bên phải để Hưng ngồi sau giật túi của chị O. 
Khi đã chạy thoát, bọn chúng lục túi xách của chị O. được 1 điện thoại di động Iphone 4S, 300 USD và khoảng hơn 10 triệu đồng tiền mặt. Sau khi chia tiền, Thiện đã cầm chiếc Iphone 4S để sử dụng đến ngày 31/10/2013 thì bị bắt giữ.
Ngoài ra, trong quá trình điều tra, Hưng và Thiện còn khai nhận gây ra 5 vụ cướp giật khác trên địa bàn huyện Từ Liêm và huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, các vụ cướp này đều chưa rõ bị hại nên CQĐT sẽ xử lý sau.
Không thể định giá, vẫn xác định được thiệt hại!
Theo lời khai của chị M. trong giai đoạn điều tra thì tổng tài sản của chị bị cướp giật là hơn 888 triệu đồng, trong đó: Chiếc điện thoại Vertu màu đen trị giá 400 triệu đồng, chiếc điện thoại Vertu màu ghi giá 300 triệu đồng, chiếc điện thoại Mobiado có giá 100 triệu đồng, chiếc Iphone 5 màu trắng giá 10 triệu đồng, chiếc ví to giá 40 triệu đồng, chiếc ví nhỏ giá 10 triệu đồng, 2 chiếc điện thoại Nokia giá 400.000 đ….
Tất cả các tài sản theo khai báo trên đây của chị M đều không thu hồi được nên khi được CQĐT trưng cầu giám định, Hội đồng định giá phải tiến hành xác định giá trị tài sản trong điều kiện tài sản đã không còn. Vì vậy, Hội đồng chỉ tiến hành định giá được chiếc điện thoại Vertu Signature Dianamond black trị giá 400 triệu đồng, 1 điện thoại Iphone trị giá 10 triệu đồng. 4 chiếc điện thoại còn lại (1 Vertu, 1 Mobiado, 2 Nokia) và 2 chiếc ví không thu hồi được, sau khi nghiên cứu các tài liệu liên quan thi Hội đồng kết luận “không đủ cơ sở để định giá”.
Tuy không định giá được phần lớn số tài sản chị M. bị cướp nhưng cáo trạng vẫn xác định trị giá tài sản bị cướp giật theo lời khai của chị M. là 888.400.000 đồng. Cùng với hơn 22 triệu đồng là giá trị tài sản của chị O. bị cướp giật, Thiện và Hưng đã bị truy tố theo khoản 4, điều 136 BLHS.
Bào chữa cho bị cáo Thiện tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/7, LS Đinh Duy Hải (Đoàn LS TP.Hà Nội) không đồng ý với cách tính thiệt hại trên và cho rằng việc xác định thiệt hại của chị M. hơn 888 triệu theo lời khai một phía của bị hại như trên là không khách quan. Theo hồ sơ thì chỉ có căn cứ để xác định hai bị cáo cướp giật tài sản trị giá hơn 452 triệu mà thôi, tức là chỉ có thể truy tố và kết án các bị cáo ở Khoản 3 chứ không thể ở Khoản 4 Điều 136 BLHS. 
Do việc xác định thiệt hại có vẻ chưa thuyết phục nên Kiểm sát viên đã “rút” thiệt hại của chị M. từ 888 triệu đồng xuống còn 835 triệu đồng. Trong khi đó, khi trả lời câu hỏi của LS thì chị M. cũng không lý giải rõ về nguyên nhân “giảm thiệt hại” tới gần 50 triệu như trên mà chỉ nói “đã khai báo tại CQĐT”. Rồi cuối cùng, khi tòa tuyên án, HĐXX lại xác định thiệt hại của chị M. là 851 triệu đồng. 3 con số thiệt hại, chênh lệch hàng chục triệu như trên càng chứng tỏ cách xác định thiệt hại trong vụ án này đang có vấn đề? Mặc dù vậy, HĐXX vẫn tuyên phạt bị cáo Thiện 17 năm tù, Hưng 16 năm tù theo Khoản 4 Điều 136 BLHS về tội “Cướp giật tài sản”.
Thiết nghĩ, việc xử lý nghiêm khắc tội phạm cướp giật là cần thiết. Tuy nhiên, việc xử lý này cũng phải đảm bảo đúng pháp luật và khách quan, theo đúng mức độ thiệt hại đã được chứng minh.
“Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có chứng minh mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Một khi Hội đồng đã có kết luận “không thể định giá” thì đây cũng được coi là Kết luận giám định, là một nguồn chứng cứ theo quy định tại điều 64 BLTTHS. Tại sao HĐXX lại không sử dụng chứng cứ này? Đó là chưa kể, nếu giám định chiếc điện thoại Vertu Signature Dianamond black trị giá 400 triệu đồng thì cũng cần có chứng cứ khác để khẳng định, đây đúng là chiếc điện thoại “Vertu màu đen” mà các bị cáo đã cướp giật được ngày 3/9/2013.
Theo tôi, khi cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được giá trị tài sản thì phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo chứ không thể xác định giá trị tài sản theo lời khai của bị hại được. Việc Hội đồng định giá đã xác nhận “không định giá được” mà  HĐXX vẫn xác định được giá là thiếu cơ sở pháp lý, khiến bị cáo và dư luận không tâm phục khẩu phục.”- LS Đinh Duy Hải phát biểu.

Đọc thêm