Vụ nữ tử tù mang thai: Những người liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm gì?

(PLO) - Với những bị án mang thai trong thời gian chờ thi hành án tử hình đương nhiên được chuyển thành chung thân theo quy định của pháp luật hình sự. Tuy nhiên, những người liên quan trong vụ việc sẽ bị xử lý như thế nào là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Các phạm nhân nữ lao động trong trại giam. Ảnh Lao động.
Các phạm nhân nữ lao động trong trại giam. Ảnh Lao động.
Thoát 1 án tử, nhiều người trả giá
Trong vụ tử tù Nguyễn Thị Oanh mang thai, 2 nguyên cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình là Nguyễn Thuyên và Bùi Văn Quyết lần lượt bị tuyên phạt 60 và 42 tháng tù cùng về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Còn Nguyễn Trường Thiên, “người tình” của Oanh, một phạm nhân đang chấp hành hình phạt 5 năm tù tại đây và cũng là tác giả của bào thai trong bụng Nguyễn Thị Oanh thì không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì ngoài “án” vi phạm quy chế trại giam. Sau khi thụ án 5 năm tù, Thiên đã ra trại. Còn Oanh, tác giả kịch bản đã thoát án tử một cách ngoạn mục.

Còn trong vụ Nguyễn Thị Huệ mới xảy ra, việc có phải Huệ đi mua tinh trùng của phạm nhân khác với giá 50 triệu hay bằng cách nào để có thai, trách nhiệm của các cán bộ quản giáo đến đâu thì còn phải chờ kết luận từ cơ quan chức năng.  

Trong đó, vấn đề dư luận quan tâm là trách nhiệm của cán bộ quản giáo trông coi phạm nhân. Theo phân tích của các chuyên gia, tùy theo mức độ hành vi vi phạm, cán bộ quản giáo có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức kỷ luật, đình chỉ công tác hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Nếu cán bộ quản giáo cố ý tạo điều kiện cho nữ phạm nhân có thai để thoát án tử hình sẽ phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trường hợp do sơ suất, lơ là trong việc quản lý tử tù, cán bộ quản giáo sẽ bị xử lý về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự 1999 thì khi xét xử không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân. Với quy định trên của pháp luật thì bị cáo Huệ thoát án tử hình là điều đương nhiên.

Tuy nhiên, đối với Nguyễn Tuấn Hưng là phạm nhân cho tinh trùng, theo nhiều chuyên gia pháp luật thì hiện chưa có quy định nào để xử lý phạm nhân này, do đó người này không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cả Hưng và Huệ chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi mua bán tinh trùng theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 33 Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định: “Vi phạm quy định về sinh con theo phương pháp hỗ trợ sinh sản”: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Thực hiện cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép theo quy định của pháp luật.

Xử nghiêm những người tiếp tay cho vi phạm

Thoát án tử, được chuyển thành tù chung thân, dù có bị phạt hành chính hay kỷ luật bởi quy chế trại giam đi nữa thì cái “được” của những phạm nhân đang chấp hành án là mạng sống được bảo toàn nhờ chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự. 

Về mặt lý, các phạm nhân, kể cả người cho và nhận tinh trùng như trong vụ Nguyễn Thị Huệ hay cố ý thụ thai bằng một chuyện tình ly kỳ như của phạm nhân Nguyễn Thị Oanh cũng đều không vi phạm pháp luật hình sự. 

Song, xét về phương diện đạo đức thì hành vi đó là trái đạo đức. Chỉ vì trốn tránh tội lỗi của mình mà phạm nhân mang thai. Đứa trẻ phải sinh ra và lớn lên trong trại giam sẽ phải chịu những thiệt thòi mà một đứa trẻ bình thường bên ngoài song sắt không phải chịu đựng. Đó là sự thiếu thốn về tình cảm, vật chất, sự chăm sóc, giáo dục của người thân, gia đình…và hơn cả là sự kỳ thị của xã hội. Những hệ lụy đó sẽ theo đứa trẻ đến suốt cuộc đời.

Nhiều ý kiến cho rằng, để tránh việc lợi dụng chính sách nhân đạo của Bộ luật Hình sự, mang thai để thoát án tử thì cần phải có những quy định chặt chẽ để xử lý thật nghiêm những người giúp sức cho việc mang thai, điều tra và quy trách nhiệm cho các cán bộ trại giam liên quan để xảy ra vụ việc (nếu có). Bởi, trong các vụ việc phạm nhân mang thai, nếu chỉ có một mình họ sẽ không thể đạt mục đích mà còn cần sự giúp sức của những người liên quan, trong đó không loại trừ cả các cán bộ quản giáo như trong vụ của Nguyễn Thị Oanh. 

Bên cạnh đó, cũng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý phạm nhân, tăng cường cơ sở vật chất, tránh tình trạng do không biệt giam dẫn đến sơ hở trong quản lý để đối tượng lợi dụng. 

Tử hình
Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi bị xét xử.
Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này, hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
Trong trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình chuyển thành tù chung thân.
(Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 1999)

Đọc thêm