Ô tô điện Trung Quốc giá rẻ, Cục đăng kiểm khuyến cáo không nên mua

(PLO) - Những dòng quảng cáo bán xe điện kiểu dáng ô tô với 3-4 bánh và giá bán từ 30-70 triệu Đồng đang khiến cộng đồng mạng xôn xao nhưng có thể chỉ là chiêu trò "câu like" của một số bạn trẻ.
Mặc dù giá rẻ nhưng ôtô điện mini vẫn chưa được cấp phép lưu hành trên đường phố.
Mặc dù giá rẻ nhưng ôtô điện mini vẫn chưa được cấp phép lưu hành trên đường phố.
Ô tô điện 2 chỗ giá 30.000 đồng rao bán tràn lan trên mạng
Trong những ngày gần đây, hàng loạt tài khoản Facebook đã đua nhau đăng thông tin rao bán xe mang kiểu dáng ô tô với 3 hoặc 4 bánh, chạy bằng điện và có xuất xứ từ Trung Quốc khiến nhiều người xôn xao bởi mức giá rẻ cũng như sự tiện lợi của loại phương tiện này. Trong đó, thú hút sự chú ý nhất là những dòng quảng cáo đăng trên tài khoản Facebook có tên N.T.L.
Theo quảng cáo của N.T.L, những chiếc xe điện kiểu dáng ô tô rất rẻ và tiện. "Giá rẻ lắm luôn. Chỉ hơn xe Wave 1 tí thôi. Thời tiết đại hàn thế này thì đây đúng là cái tổ ấm lắm luôn", tài khoản Facebook này giới thiệu.
Thậm chí, N.T.L còn khẳng định ở nhà đã có sẵn xe để mọi người qua xem và chạy thử. Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc với số điện thoại được cho là của người bán xe thì không có ai nhấc máy. Do đó, rất có thể đây chỉ là chiêu trò "câu like" của một số bạn trẻ "sống ảo" hiện nay.
Ngoài ra, một số tài khoản Facebook khác cũng đăng hình ảnh chụp những chiếc xe điện mang kiểu dáng ô tô tại Trung Quốc và nhận đặt hàng về Việt Nam theo yêu cầu của khách hàng. Theo các tài khoản Facebook này, khi khách hạng muốn mua xe sẽ phải đặt cọc 50% giá trị của xe. Điều đó có nghĩa là với những chiếc xe điện bán với giá từ 30-70 triệu Đồng, khách hàng sẽ phải đặt cọc từ 15-35 triệu Đồng. Sau đó, khách hàng sẽ thanh toán nốt nửa còn lại khi nhận xe.
Quảng cáo rầm rộ là thế, tuy nhiên khi liên hệ liên tiếp nhiều lần vào số máy điện thoại có trên facebook, PV đều không liên lạc được. Nhiều người dùng mạng có nhu cầu hỏi mua ô tô điện cũng gặp phải tình trạng tương tự. Cùng với đó rất nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn về tính hữu dụng và thực tế của loại xe mới mẻ này.
Anh Nguyễn Hoàng Minh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi liên tục lùng sục trên mạng thông tin về loại xe này cho biết, nghe lời quảng cáo thì giá xe khá rẻ chỉ khoảng hơn 30 triệu mà kiểu dáng lạ khiến anh tò mò.
"Nghĩ ngợi thì tôi thấy mức giá khá rẻ, chỉ ngang với một chiếc xe máy tầm trung, kết cấu lại có thể che mưa nắng. Tuy nhiên, điều tôi quan tâm là loại xe này có được phép lưu thông trên đường phố, người điều khiển có cần bằng lái và xe khi mua có được cung cấp các loại giấy tờ cần thiết hay không", anh Minh cho hay.
Cục đăng kiểm khuyến cáo không nên mua
Bên cạnh nhiều người hiếu kỳ tìm hiểu để có ý định mua, một số người cũng cảnh báo vì cho rằng khá nhiều xe điện nhập về không rõ nguồn gốc, chế độ bảo hành không rõ ràng và đặc biệt là xe thường xuyên bị hỏng khi sử dụng dù vẫn sạc đầy đủ. Ngay cả những người quảng cáo về dòng xe này cũng chỉ dám cho biết là từng sử dụng nhưng chưa bị xử lý, chứ chưa khẳng định rằng xe được phép lưu thông hay không.
Trước đây, cục Đăng kiểm Việt Nam đã từng cho biết: "Ô tô điện nếu lưu thông trên đường phải có các tiêu chuẩn kỹ thuật như ôtô bình thường. Việc đăng ký đăng kiểm xe ô tô điện đã được quy định trong luật của Bộ GTVT". Điều này có nghĩa là những chiếc xe điện mang kiểu dáng ô tô với 3-4 bánh sẽ không đủ điều kiện lưu hành bởi chưa đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật và không được đăng ký theo đúng thủ tục pháp luật.
Theo Điều 53 Luật Giao thông đường bộ, xe ô tô điện nếu không có đăng ký, đăng kiểm mà tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt. Bản thân người điều khiển ô tô điện chở người thì cần phải có giấy phép lái xe hạng B2 trở lên theo thông tư 86 và chỉ được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo quy định của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương.
Tháng 1/2015, sau khi một số chiếc ôtô điện giá rẻ không đeo biển số lưu thông ở Hà Nội và TP HCM, đại diện cơ quan Đăng kiểm đã chính thức khẳng định loại xe này không đảm bảo an toàn kỹ thuật và việc di chuyển trên đường phố là hành vi vi phạm pháp luật.
Ngay cả những người rao bán xe cũng không khẳng định xe có được lưu thông hay không mà chỉ nói rằng đã đi nhưng chưa từng bị lực lượng chức năng xử lý. Có vẻ như "ước mơ xe 4 bánh giá rẻ, che nắng che mưa" đã khiến rất nhiều người quan tâm đến những mẫu xe điện này mà bỏ qua vấn đề pháp lý khi lưu thông trên đường.
Theo chia sẻ của anh Hải, chuyên gia an ninh mạng, thì hành vi chào bán tràn lan những mẫu xe điện không rõ nguồn gốc, không có chứng từ và yêu cầu khách hàng phải đặt cọc trước có thể là một hình thức "lừa đảo online". Nếu tin những lời quảng cáo này, khách hàng sẽ tự đặt mình vào nguy cơ bị lừa toàn bộ số tiền đặt cọc và không nhận được xe. Ngoài ra, những vấn đề về pháp lý cũng có thể khiến những chiếc xe mua hàng chục triệu Đồng về phải "đắp chiếu" hoặc bị lực lượng chức năng tịch thu.
Như vậy, có thể nói, mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam về những chiếc "xe 4 bánh, giá rẻ, thuận tiện" là có thật nhưng khi nguồn cung ứng của mặt hàng này hiện nay vẫn còn rất hạn chế bởi những vướng mắc về mặt pháp lý thì việc đặt cọc hàng chục triệu Đồng cho một chiếc xe không biết có bị cấm hay không sẽ là một quyết định khá liều lĩnh.