Pháp quyền và công khai, minh bạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Xây dựng Nhà nước pháp quyền là vấn đề lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Pháp quyền và công khai, minh bạch

Hội nghị Trung ương 3 khóa XIII đang diễn ra, dự kiến kéo dài đến 9/7. Nội dung chương trình bao gồm nhiều vấn đề rất cơ bản và hệ trọng, liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong nhiệm kỳ khóa XIII, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền là vấn đề lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục xác định việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị.

Trong đó có các yêu cầu: Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước; xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp theo các cơ sở nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước. Thứ hai là xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch ổn định với quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với 21 thành viên, bao gồm 8 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Trưởng ban Chỉ đạo là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Để có hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định... lại rất cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tham vấn ý kiến người dân và doanh nghiệp về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; kết hợp với việc minh bạch hóa quá trình chuẩn bị, soạn thảo, trình, ban hành các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, chú trọng rà soát, hệ thống hóa, công bố danh mục tài liệu bí mật nhà nước để ngăn ngừa, hạn chế việc lợi dụng bí mật nhà nước theo nguyên tắc: Công khai là tối đa, bí mật là tối thiểu.

Quản lý nhà nước không tách rời thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quyết định đối với các chủ thể quản lý. Vì vậy, hoàn thiện khung khổ pháp luật để tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính, cũng như các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của các ngành, các cơ quan, đơn vị hành chính nhằm đảm bảo sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình.

Đọc thêm