Bước sang năm 2018, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc, kêu gọi châu Âu tham gia vào dự án hồi sinh "Con đường tơ lụa" của Bắc Kinh cũng như hối thúc hai bên hợp tác trong chống biến đổi khí hậu.
Tương lai cần Pháp, châu Âu và Trung Quốc
Tại điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến là thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, nơi xuất phát của "Con đường tơ lụa" cổ xưa nối liền phương Đông và phương Tây, Tổng thống Macron bày tỏ hy vọng mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc sẽ có một khởi đầu mới, dựa trên "các nguyên tắc cân bằng". Theo ông, châu Âu hiện đã sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc sau nhiều năm vật lộn với khủng hoảng và kinh tế đình trệ: "Số phận của chúng ta đã được gắn kết... Tương lai cần Pháp, châu Âu và Trung Quốc".
Trong cuộc hội đàm ngày 9-1 tại thủ đô Bắc Kinh, Tổng thống Macron Emmanuel và Chủ tịch Tập Cận Bình đã định hướng chiến lược cho quan hệ Trung - Pháp nhằm nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, hai bên cần đáp ứng các lợi ích cốt lõi và các mối quan tâm lớn, giải quyết thỏa đáng các khác biệt nhằm đảm bảo mối quan hệ phát triển đúng hướng, đồng thời kêu gọi hai nước tăng cường hợp tác chiến lược trong các lĩnh vực truyền thống như năng lượng hạt nhân, hàng không vũ trụ cũng như các lĩnh vực mới nổi như nông nghiệp, lương thực, y tế, phát triển bền vững đô thị.
Trước những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và khủng bố, hai bên đã cam kết duy trì cuộc chiến chống biến đổi khí hậu - một cam kết quan trọng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã nhất trí hợp tác với Pháp chuẩn bị cho hội nghị sắp tới nhằm đối phó với vấn đề tài trợ khủng bố.
Sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ ký một loạt thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD. Nổi bật nhất là bản ghi nhớ giữa tập đoàn hạt nhân Areva của Pháp với đối tác Trung Quốc CNNC về xây dựng nhà máy tái chế hạt nhân trị giá 12 tỷ USD, thỏa thuận giữa các đối tác Trung Quốc mua 184 máy bay Airbus A320 của Pháp, đồng thời tăng số lượng máy bay A320 sản xuất tại Trung Quốc lên 6 chiếc mỗi tháng, hay hợp đồng trị giá 2,4 tỷ USD giữa tập đoàn kỹ nghệ Fives và hãng bán lẻ trực tuyến JD.com của Trung Quốc về thành lập trung tâm logistic của hãng này tại Pháp. Đặc biệt, Trung Quốc cũng đã nhất trí trong vòng 6 tháng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận kéo dài 16 năm qua đối với thịt bò Pháp.
Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá chuyến thăm Trung Quốc trong chuyến công du tới châu Á đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron cho thấy sự coi trọng của Pháp đối với quan hệ song phương. Trong thời gian tới, Trung Quốc mong muốn tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Pháp trong mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó Trung Quốc cũng rất coi trọng sự hợp tác với Pháp trong giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới, nhằm cùng thúc đẩy sự ổn định, thịnh vượng của thế giới.
Về phần mình, Tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc, mong muốn trao đổi ý kiến sâu rộng với Chủ tịch Tập Cận Bình về quan hệ Trung - Pháp và hợp tác giữa hai nước trong giải quyết các vấn đề quan trọng của thế giới, qua đó thúc đẩy quan hệ song phương nói riêng, quan hệ Trung Quốc - EU nói chung. Pháp mong muốn tích cực tham gia Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, đồng thời cũng mong muốn cùng Trung Quốc đóng góp nhiều hơn vào việc đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu. Tổng thống Emmanuel Macron tin tưởng rằng, dưới sự nỗ lực chung của hai bên, chuyến thăm này sẽ đưa quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới.
|
Hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn
Diễn ra gần 2 tuần trước khi hai nước kỷ niệm 54 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, chuyến công du của ông Macron được xem là cơ hội để tạo xung lượng mới trong sự phát triển quan hệ song phương, cũng như thiết lập mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn giữa Trung Quốc và Pháp nói riêng và giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) nói chung.
Đối với ông Macron, chuyến thăm này càng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nhà lãnh đạo Pháp đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Paris trên trường quốc tế. Việc lựa chọn Trung Quốc là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du tới châu Á kể từ khi nhậm chức, đặc biệt vào dịp đầu năm mới, cho thấy nhà lãnh đạo Pháp đặc biệt coi trọng quan hệ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Với kết quả về kinh tế-thương mại của chuyến thăm thực sự rất ấn tượng, cho thấy triển vọng mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia là hết sức to lớn trong các lĩnh vực như hàng không vũ trụ, điện hạt nhân, kỹ thuật số, tài chính ngân hàng... Phát huy lợi thế nguồn vốn dồi dào, Trung Quốc có đủ năng lực hỗ trợ Pháp và các nước châu Âu khắc phục khó khăn, đối phó với những tác động khủng hoảng tài chính. Vì vậy, tranh thủ sự ủng hộ của Pháp đối với sáng kiến chiến lược "vành đai và con đường", Trung Quốc mong muốn có thể kết hợp giữa thiết bị và năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến của các nước EU trong đó có Pháp, phát triển sang thị trường thứ 3. Trước tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động với những diễn biến khó lường, Paris và Bắc Kinh đều ý thức được rằng việc tăng cường hợp tác song phương mang lại lợi ích thiết thực, to lớn cho cả hai nước, cả về kinh tế lẫn chính trị. Đối với Pháp, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 và lớn nhất ở châu Á.
Chuyến thăm của Tổng thống Pháp cũng sẽ góp phần tăng cường lòng tin chính trị, kết nối những chiến lược hợp tác với Trung Quốc, định hướng trong hợp tác về chính trị, thương mại, tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu, hợp tác chống khủng bố, thúc đẩy giao lưu nhân dân, cao hơn nữa là khả năng hợp tác quản trị toàn cầu. Không chỉ xem Trung Quốc là một đối tác thương mại lý tưởng, Pháp cũng nhìn nhận cường quốc châu Á này là một đối tác chính trị quan trọng, bởi Trung Quốc vừa là một cường quốc hạt nhân, vừa là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ có quyền phủ quyết đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng. Đặc biệt, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Pháp hy vọng Bắc Kinh sẽ cùng Paris trở thành những nhân tố dẫn đầu đóng vai trò quyết định trong việc thực thi thỏa thuận này, trong bối cảnh Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất thế giới song cũng là nước đầu tư lớn nhất vào lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch.
Việc Tổng thống Pháp Macron lựa chọn thành phố Tây An của tỉnh Thiểm Tây - quê hương của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cũng là nơi khởi điểm của "con đường tơ lụa" cổ xưa được là nơi đặt chân đầu tiên trong chuyến thăm Trung Quốc lần này cho thấy chính sách đối ngoại thông qua thúc đẩy hợp tác quốc tế "Vành đai và con đường" của Trung Quốc đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, thông qua Pháp, Trung Quốc muốn tranh thủ sự ủng hộ của EU đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhất là khi xu thế bảo hộ thương mại ở Mỹ và một số nước phương Tây đang gây ra làn sóng "đóng cửa" với hoạt động thương mại của Trung Quốc.
Ngoài ra, với vị thế của Pháp là nước thành viên duy nhất trong EU nắm quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, Trung Quốc kỳ vọng một mối quan hệ nồng ấm với Pháp sẽ giúp Bắc Kinh tranh thủ sự ủng hộ trong các hồ sơ quốc tế nổi cộm, qua đó giúp nâng tầm ảnh hưởng của cường quốc châu Á này.
Dẫu vậy, sự hợp tác giữa hai quốc gia vẫn tồn tại những khó khăn và thách thức, dù quan hệ Pháp - Trung đang ở giai đoạn “đơm hoa kết trái”. Ông Macron có thể coi trọng Trung Quốc nhưng vẫn phải nhìn nhận đây là một đối thủ cạnh tranh lớn và phải tìm cách cân bằng cán cân thương mại, giảm lượng nhập siêu từ Trung Quốc. EU trong đó có Pháp vẫn không công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường và vẫn áp dụng các biện pháp chống bán phá giá. Chính vì thế Trung Quốc phải tạo được lòng tin chính trị mới có thể thúc đẩy hơn nữa họp tác kinh tế vơi Pháp.
Dù vẫn còn những mâu thuẫn và vướng mắc, song có thể nói chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Macron đến Trung Quốc đã góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước, qua đó mở ra những cơ hội hợp tác cả kinh tế lẫn chính trị trong tương lai.