Phạt 50.000 USD vì làm với “Tây” theo lối "Ta"

Bài học cảnh giác khi làm ăn với đối tác nước ngoài đã được cảnh báo từ lâu, đặc biệt sau vụ Vietnam Airlines bị kiện tại Ý. Thế nhưng, vẫn có không ít doanh nghiệp nội thờ ơ với luật pháp trong đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng, kết cục là phải trả giá đắt. Câu chuyện tại Trung tâm Thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động Petromanning là một ví dụ…

Bài học cảnh giác khi làm ăn với đối tác nước ngoài đã được cảnh báo từ lâu, đặc biệt sau vụ Vietnam Airlines bị kiện tại Ý. Thế nhưng, vẫn có không ít doanh nghiệp nội thờ ơ với luật pháp trong đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng, kết cục là phải trả giá đắt. Câu chuyện tại Trung tâm Thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động Petromanning là một ví dụ…

Bị kiện vẫn thờ ơ

Ngày 09/10/2009, Trung tâm Thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động Petromanning thuộc Công ty Cổ phần Phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Tập đoàn Dầu khí VN) ký hợp đồng mua của Công ty  Steelco (Hồng Kông) phôi thép.

Hai bên đã mua, bán một số lượng phôi thép với các điều kiện và điều khoản quy định trong hợp đồng. Theo đó, Petromanning phải thanh toán tổng giá trị hợp đồng là 2.425.000 USD cho Steelco bằng phương thức thư tín dụng không hủy ngang trả ngay 100% giá trị hóa đơn bằng đô la Mỹ và phải mở trong vòng 5 ngày kể từ ngày ký kết hợp đồng. Điều 9 của hợp đồng cũng quy định điều kiện thanh toán như sau: “Trong trường hợp L/C không được mở trong vòng 07 ngày làm việc sau ngày đến hạn mở L/C, bên bán sẽ có quyền lựa chọn chấm dứt hợp đồng và trong trường hợp đó bên mua sẽ phải trả cho bên bán một khoản phạt bằng 2% giá trị hợp đồng. Bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua phải bồi thường các thiệt hại từ việc bán lại hàng hóa”.

Phạt 50.000 USD vì làm với “Tây” theo lối "Ta" ảnh 1

Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng, Petromanning đã không thực hiện nghĩa vụ mở L/C theo quy định. Petromanning cũng không thanh toán cho Steelco khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng, bằng 2% giá trị hợp đồng - tương đương 48.500 đô la Mỹ. Vì thế, theo quy định của hợp đồng, Steelco đã khởi kiện lên Trung tâm trọng tài Quốc tế Hồng Kông để giải quyết tranh chấp. Petromanning đã không hề tham gia quá trình xét xử trọng tài, bất chấp các yêu cầu của Hội đồng trọng tài cũng như thông báo của Steelco.

Theo đó, Hội đồng trọng tài đã quyết định Petromanning sẽ phải trả ngay cho Steelco 48.500 USD cùng khoản lãi với lãi suất là 5%/ năm tính từ ngày 18/11/2009 cho đến khi Petromanning thanh toán hết. Ngoài ra, Petromanning sẽ phải gánh chịu và thanh toán các chi phí của Petromanning và Steelco liên quan đến việc giải quyết vụ việc tại trong tài và các chi phí cho việc ra Quyết định của Trọng tài nước ngoài theo quy định của Hội đồng trọng tài là 56.031 USD. Trong trường hợp Steelco đã thanh toán bất kỳ khoản tiền nào liên quan đến các chi phí ra Quyết định của Trọng tài nước ngoài, Petromanning có nghĩa vụ phải hoàn lại ngay khoản tiền này cho Steelco cùng với một khoản lãi với lãi suất là 5% một năm tính từ ngày Steelco thanh toán cho đến ngày được bồi hoàn.

Nhận ra thì đã muộn

Cho đến nay, Quyết định nói trên đã ban hành 4 tháng và Steelco ủy quyền cho một văn phòng luật sư tại Việt Nam “ đòi nợ”. Nhưng theo văn phòng này, Petromainning tỏ ra không mặn mà giải quyết hậu quả mình gây ra.

Trong cuộc làm việc với phóng viên, ông Đào Thành Long, Giám đốc Trung tâm Thương mại dịch vụ và xuất khẩu lao động Petromanning tỏ ra ngạc nhiên với phán quyết nêu trên và nói: “Quả thực tôi chưa nhìn thấy phán quyết, chỉ nghe phía bên kia thông qua một văn phòng luật sư đòi nợ chúng tôi. Tại sao lại xử mà không có mặt chúng tôi?”. Tuy nhiên, theo luật sư thì: “Không có chuyện trọng tài nước ngoài âm thầm xử vắng mặt, họ đã nhiều lần yêu cầu Petromainning thể hiện ý kiến phản biện nhưng tuyệt nhiên không có hồi âm nào. Đó chỉ là cách Petromainning thoái thác trách nhiệm, ảnh hưởng không tốt đến uy tín kinh doanh”.

Nói về việc không thực hiện hợp đồng, ông Long phân trần, đúng là có việc ký kết hợp đồng nhưng sau đó do khó khăn trong kinh doanh, nên chúng tôi không thực hiện được. Trung tâm lúc đó cũng có văn bản gửi cho bên bán đề nghị thay đổi một số nội dung nhưng bên đó không chấp nhận đề nghị thay đổi. “Bên bán hơi ép mình, làm việc quá cứng nhắc. Không bán cho mình thì họ bán cho người khác, chưa thiệt hại nhiều. Chúng tôi sẽ cho tính toán lại thiệt hại” – ông Long nói. Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận có một phần lỗi của trung tâm và sai đến đâu trung tâm chịu đến đó.

Tuy nhiên, những động thái của trung tâm là quá muộn. Hiện tại, đại diện nguyên đơn đã gửi đơn đến cơ quan chức năng của Việt Nam cho thi hành quyết định và theo qui định thì quyết định sẽ được thi hành ngay.

Rõ ràng, không ai muốn uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thế nhưng trong giới kinh doanh vẫn còn không ít người thờ ơ với luật pháp để rồi phải  ngậm ngùi trả giá đắt. Trong thời buổi hội nhập, làm ăn với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp không thể vẫn cứ tiếp tục cung cách xuề xòa, hồn nhiên.

P.V

Đọc thêm